Đức cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang toàn cầu

Theo Roi-tơ và TTXVN, Bộ trưởng Ngoại giao Đức S. Gabriel nói rằng, việc CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân không chỉ đe dọa khu vực, mà còn là mối đe dọa đối với thế giới. Ông Gabriel cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu và cho rằng, Đức cùng các quốc gia châu Âu cần hạn chế chạy đua vũ trang, giải giáp vũ khí. Trong khi đó, Thủ tướng Đức A. Merkel kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên bằng cách khởi động lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang bị đình trệ.

* Theo Yonhap, Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, nước này sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên một cách hòa bình; cam kết ngăn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh, không nước nào có thể quyết định tiến hành hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng thuận của Hàn Quốc.

* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ G. Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao R. Tillerson tuyên bố, Mỹ không có lợi ích trong việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên cũng như đẩy nhanh quá trình tái thống nhất giữa hai miền; cho biết Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên thể hiện thiện chí. Hai quan chức Mỹ khẳng định, Oa-sinh-tơn ủng hộ giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên, nhất là với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng J. Dunford khẳng định, Washington ưu tiên gây áp lực ngoại giao và kinh tế với Bình Nhưỡng để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; khẳng định vũ lực sẽ là giải pháp cuối cùng nếu những nỗ lực ngoại giao và kinh tế với Bình Nhưỡng thất bại.

* Ngày 15-8, KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nghe báo cáo về kế hoạch bắn tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương trong chuyến thị sát bộ chỉ huy Lực lượng chiến lược hôm 14-8. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết sẽ đưa ra quyết định quan trọng nếu Mỹ tiếp tục những hành động liều lĩnh đặc biệt nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên.

* Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Mô-ghê-ri-ni kêu gọi các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình và phi quân sự đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên; hối thúc Bình Nhưỡng tránh các hành động khiến căng thẳng gia tăng.

* Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản T. Motegi mong muốn hợp tác với Mỹ và các nước liên quan để giải tỏa những quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Dự kiến, ngày 17-8 tới, trong cuộc hội đàm "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật Bản và Mỹ, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể để đối phó tình hình hiện nay. Trong cuộc điện đàm ngày 15-8, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Tổng thống Mỹ D. Trump nhất trí ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn các vụ phóng tên lửa tiếp theo của Triều Tiên. Thủ tướng Abe hoan nghênh Tổng thống D. Trump cam kết sát cánh với các đồng minh trong khu vực để đối phó các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, đồng thời đề cao vai trò của hợp tác quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo.

* Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, kể từ ngày 15-8, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Triều Tiên, như than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản. Đức hoan nghênh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/33794502-duc-canh-bao-nguy-co-chay-dua-vu-trang-toan-cau.html