Đức “còi” - Chinh chiến nhọc nhằn với hành trình chạy thận

Đức có một ước mơ “tham lam” so với hoàn cảnh của mình, em mơ được “nằm” bên chiếc máy chạy thận thêm 1 lần/tuần để kéo dài sự sống.

Nguyễn Như Tuấn Đức, sinh năm 1993, là người dân tộc Mường, sống tại thôn An Thịnh, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cả tuổi thơ được lũ bạn gắn cho cái biệt danh: Đức “còi”.

Đúng phác đồ chữa bệnh, Đức phải phải chạy thận 3 lần/tuần. Thế nhưng Đức phải đi ngược với nguyên tắc “bảo toàn sự sống”, em từng chỉ được chạy thận 1 lần/tuần, rồi cố lắm là 2 lần/tuần.

Đức bây giờ ước có tiền để thêm 1 lần chạy thận nữa

20 tuổi nhưng Đức mang hình hài một đứa trẻ chỉ khoảng 12, 13 tuổi. Cao không đến 1m30, nặng 27kg, chưa kể lúc ốm đau, không ăn uống gì được em chỉ còn 21kg, đi không vững, thân hình nhỏ thó, ốm yếu. “Em bị bệnh thận từ năm 4 tuổi, người phù nề phải uống nhiều thuốc kháng sinh từ nhỏ nên người không lớn được”, vẻ ngượng ngùng, nụ cười gượng gạo, Đức chia sẻ.

Ước mong được thêm 1 lần chạy thận…

Cuộc đời Đức gắn liền với thuốc thang và bệnh viện. Tháng 5 năm 2012, Đức chuyển từ Bệnh viện Việt Nhật về Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận bởi căn bệnh thận ngày một nghiêm trọng hơn. Vì hoàn cảnh gia đình không cho phép mà Đức chỉ được chạy thận 1 lần/tuần. “Như thế thì độc tố trong người sẽ nhiều hơn rồi một lúc nào đó cơ thể sẽ bị quật ngã, liệu có còn chống chọi nổi với bệnh tật nữa không?” bác Nguyễn Thị Mai, P.Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội cũng là bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Thấy bệnh tình của Đức ngày một yếu hơn, ngay cả người bệnh cùng phòng cũng đã góp thêm cho Đức 500 nghìn đồng/tháng để em có điều kiện chạy thận 2lần/tuần: “Thôi thì ‘lá rách đùm lá nát’, thấy cháu nó thế tội quá, mình điều kiện cũng hạn hẹp nên chỉ có cho cháu chạy thêm một lần thôi”, bác Mai ngậm ngùi.

Không ở trọ gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị như các bệnh nhân chạy thận khác, Đức phải đi về để chạy thận với những cung đường đầy mệt mỏi: “Gần 6h sáng bố chở ra đường lớn Hồ Chí Minh để bắt xe khách về Xuân Mai, rồi lại bắt xe từ Xuân Mai về bến xe Yên Nghĩa, tại đây, em đi xe Bus 21 tới bệnh viện Bạch Mai là 8h. Khoảng 10h bắt đầu chạy thận đến 3h chiều chạy xong, em phải về luôn để kịp chuyến xe khách về nhà, về đến nhà cũng gần 6h tối”.

Những ngày đầu chạy thận Đức được bố đưa đi, sau đó em đi cùng bà ngoại, còn bây giờ thì em phải “chinh chiến” một mình: “Bố còn bận làm thuê kiếm tiền, mẹ còn bận chăm em nhỏ 11 tháng tuổi và làm ruộng. Nhà chỉ còn bà ngoại thì ngoại lại phải chăm cậu bị đứt gân chân và gẫy xương vì đi làm ngô bị máy cắt ngô xén vào chân thế nên em phải tự đi một mình”.

Một người khỏe, ba người “đau”

Cả nhà 4 người giờ chỉ trông chờ vào lao động chính đó là bố của Đức, anh Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1970). Hàng ngày anh Luân đi xa cách nhà 15km để làm thuê theo mùa vụ, ai thuê gì thì làm, lúc thì đi xây, lúc làm gạch… Bố Đức đi làm thuê được 120 nghìn đồng/ngày, tiền xăng xe ăn uống cũng không còn là bao, nhưng cứ có việc thì vẫn phải đi làm. Ngày mưa to cũng như ngày nắng gắt, nếu không thứ 6 này em Đức lấy tiền đâu mà đi chữa bệnh.

Mẹ của Đức là Nguyễn Thị Vân Anh (sinh năm 1974) sức khỏe cũng không được tốt, trước đó chị đã chạy chữa tạm ổn căn bệnh tim, giờ lại đang phải chiến đấu với chứng bệnh Thiểu năng tuần hoàn não. Đứa con thứ hai của gia đình chị hiện tại đã 11 tháng tuổi, cũng là nguyên nhân khiến chị không thể đi làm thuê phụ giúp gia đình: “Em bé gần đây bị vàng da, đi tiểu thì kiến cứ bâu vào, mọi người cũng bảo nên đưa bé đi khám xem sao nhưng gia đình vẫn chưa có điều kiện thôi thì cứ để ở nhà theo dõi thêm đã”.

Khó ai có thể tin đó là hình hài của cậu bé 20 tuổi…

Mỗi lần đi chạy thận, em Đức được bố cho 100 nghìn đồng để đi đường và ăn uống từ Hòa Bình về Hà Nội. Số tiền ấy trừ tiền đi lại ra thì Đức chỉ được ăn 1 xuất cơm bụi 15 nghìn trước lúc chạy thận, sau đó thì phải vác bụng đói ra về: “Có lần chạy thận xong em bị tụt huyết áp vì đói quá, mọi người ở đây thấy tội quá nên cho em ăn rồi em mới về nhà được” - chị Đỗ Thu Trang, y tá khoa thận, bệnh viện Bạch Mai chia sẻ. Xa xa, tôi thấy bác Mai dặn dò em Đức trước khi em ra về: “Tháng sau bác làm được vé tháng cho rồi nên sẽ để dành được 5 nghìn đi xe bus, tiền ấy để lại để mua cái bánh mì mà ăn trước khi ra về nhé”.

Cả tuần chỉ ăn …. rau

Ốm đau là vậy nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên khẩu phần ăn của Đức cũng không có gì đặc biệt, gia đình ăn gì thì em ăn cái đó. Gặng hỏi, Đức ngượng ngùng chia sẻ: “Thỉnh thoảng mới có thịt để ăn. Còn cả tuần ăn rau. Chỉ có em bé là được ăn cháo thôi”.

Nỗi buồn bệnh tật, nỗi đau vì nghĩ rằng mình là gánh nặng cho gia đình đã có lúc làm Nguyễn Như Tuấn Đức tưởng chừng như gục ngã. Cậu sợ bị bệnh tật quật ngã và thời gian sẽ làm cậu già đi, bởi già đi thì Đức sẽ không thể tự mình đi chạy thận được nữa: “Mỗi năm em được mua một bộ quần áo mới để mặc vào ngày tết, nhưng em không thích tết, em sợ mình già đi. Sẽ không còn tự mình đi chạy thận thế này được nữa. Em chưa bao giờ dám mơ ước mình sẽ có một gia đình riêng. Bởi em đau yếu bệnh tật, bởi bệnh thận sẽ theo em suốt cuộc đời này”.

Những lúc như thế Đức luôn nhận được lời động viên từ mẹ, “gắng lên con, nhiều người còn bệnh tật, đau yếu hơn mình ấy chứ”, gạt nước mắt để khuyên con trai cố gắng, “với em, đó là nghị lực để em vượt qua và tiếp tục chiến đấu”. Với Đức, mơ ước một gia đình có lẽ là một điều xa xỉ. Ước mơ thực tế hơn với Đức là được đầy đủ 3lần/tuần bên chiếc máy chạy thận. Phải đặt vào hoàn cảnh như em: đối mặt với bệnh tật; với sự sống cứ chết dần, chết mòn; với hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm lam lũ mới hiểu được Đức cần sự giúp đỡ thế nào.

“Từ khi bận con nhỏ, tôi chưa có điều kiện đưa Đức đi chạy thận lần nào. Tôi rất muốn đưa con đi để chăm con lúc con trên giường bệnh và cũng để cảm ơn các cô các bác ở đó đã giúp đỡ Đức lúc không có người thân bên cạnh, nghĩ vậy nhưng vẫn chưa làm được. Với bệnh tình của Đức như hiện nay, tôi cũng muốn để Đức được ở trọ trên đó để yên tâm chạy thận đủ 3 lần/tuần chứ về nhà cứ phải thổi cơm, trông em để bố mẹ đi làm… Chân tay cháu yếu lắm” - nói đến đây, người mẹ mạnh mẽ ấy đã không kìm được cảm xúc, khóc òa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi hiểu được, đó là nỗi đau xé ruột, niềm thương con vô bờ bến của một người mẹ được hưởng hạnh phúc không trọn vẹn.

“Về mặt chuyên môn là bệnh viện không đồng ý nhưng đây là điều trị ngoại trú cũng không thể bắt ép được. Hiện tại, Đức vẫn đang bảo tồn nước tiểu, khi mà hết hẳn nước tiểu thì không thể chạy 2lần/tuần được vì sức khỏe không cho phép”. T.S Nguyễn Hữu Dũng, phó trưởng khoa thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Khoác chiếc balô cũ kỹ đựng đồ dùng trên vai, Nguyễn Như Tuấn Đức bước từng bước mệt nhọc rời bệnh viện, rời Hà Nội để trở về với gia đình cách đó rất xa. Chạy thận xong, bụng đói meo, hòa lẫn vào dòng người đông nghịt ngoài kia, Đức như thể đang chen lấn đi tìm sự sống cho mình. Phía xa xa có tiếng người phụ nữ thở dài thương xót: “Bé thế đã phải chạy thận rồi, thế là hết, đáng thương quá!”

Được biết ở xã Long Sơn huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình gia đình Đức là gia đình hộ nghèo.

Nguyễn Yến

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp cho em Nguyễn Như Tuấn Đức: thôn An Thịnh, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

2: Qua báo VietNamNet (ghi rõ ủng hộ Nguyễn Như Tuấn Đức ở Hòa Bình)

- Qua TK ngân hàng Vietcombank:

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài:

- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam

-SWIFT code: BFTVVNVX

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 1020.1000.158.2330

Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand

- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Swift code:ICBVVNVX122

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881

Email: banbandoc@vietnamnet.vn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/chia-se/133896/duc--coi----chinh-chien-nhoc-nhan-voi-hanh-trinh-chay-than.html