Đục đê xả nước thải đầu độc sông Đáy: Chưa có hướng xử lý

(ANTĐ) - Vào tháng 12-2009, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xã Phùng Xá, Mỹ Đức đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường thuộc Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) xử phạt hành vi xả nước thải gây hại ra sông Đáy. Tuy nhiên, đến nay, các DN vẫn tiếp tục đầu độc sông Đáy. Chính quyền sở tại hiện cũng bế tắc trong việc tìm hướng xử lý.

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lưu vực sông Đáy chảy qua địa bàn xã Phùng Xá phải tiếp nhận hàng trăm m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất khăn bông đóng trên địa bàn. Trong quá trình sản xuất khăn bông, các cơ sở đều phải trải qua giai đoạn tẩy, nhuộm, hấp để tạo ra những màu khác nhau. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tại đây đều xả thẳng nước thải chứa những hóa chất công nghiệp độc hại ra sông Đáy mà không qua xử lý như Javen, Sút, Natri Silicat, Soda… Ghi nhận của phóng viên ANTĐ cho thấy, điểm sản xuất công nghiệp tập trung tọa lạc ngay đầu làng Phùng Xá, một số DN sản xuất khăn bông được xây dựng cạnh bờ sông, có lẽ vậy, mà việc xả nước thải trực tiếp ra sông cũng dễ dàng hơn. Những ống dẫn nước thải dẫn qua thân đê, sâu cách mặt đê chừng 1,5m. Các loại nước thải được xả thẳng ra sông với đủ các màu xanh, đỏ, nâu vàng. Tại các điểm xả thải, nước sông Đáy chuyển màu liên tục. Dòng nước thải từ các cơ sở sản xuất bốc khói với mùi nồng nồng, hăng hăng của thuốc giặt tẩy. Trong khi đó, theo Phòng TN&MT huyện Mỹ Đức, phòng cũng chỉ kiểm tra định kỳ hàng năm và xử lý hành chính. Sự tác động tới môi trường thì cũng chưa có đánh giá cụ thể nào. Ước tính của Phòng TN&MT huyện, trung bình mỗi ngày đêm, mỗi cơ sở xả khoảng 200m3 thải chưa qua xử lý ra sông Đáy. Theo các chuyên gia ngành môi trường, nước thải từ các cơ sở dệt nhuộm thường có độ PH cao, nhiệt độ nước thải lớn, chứa nhiều hóa chất, màu khó tan. Nếu nước thải không được xử lý sẽ gây ô nhiễm nước bề mặt, nguy hiểm hơn, các kim loại trong hóa chất sẽ lắng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Anh Trần Văn Thoan, một người dân ở Phùng Xá cho biết, có đến chục năm nay, các cơ sở sản xuất dệt nhuộm này đã xả nước thải ra môi trường. Ngày nào cũng xả gần như 24/24h. Nước sông ở gần khu vực xả thải liên tục đổi màu, lúc xanh thẫm, lúc đỏ ngầu, đến tôm, cá cũng không còn sống được ở khu vực này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, điểm sản xuất CN tập trung của xã được thành lập từ năm 2000, với diện tích 7ha, gồm 11 doanh nghiệp. Như vậy, điểm sản xuất CN tập trung đã hình thành 10 năm nay và cũng đã 10 năm, các DN vẫn cứ vô tư đầu độc sông Đáy. Ngoài lượng nước xả từ các DN lớn, thì toàn bộ lượng nước thải từ gần 1.900 hộ dân làm nghề dệt, nhuộm trong xã cũng được xả trực tiếp ra sông bao năm nay. Theo ông Kiên, hiện các DN đang xây dựng dự án xử lý nước thải. Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, do kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải quá lớn, ngoài sức “chịu đựng” của các DN, nên cũng chưa biết khi nào có thể hoàn thiện và đi vào thực tế. Xả nước thải ra sông cũng là bất đắc dĩ đối với các DN?! Còn theo ông Phan Minh Doanh, Chủ tịch hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá, hiện tại, ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ xả nước thải trực tiếp ra môi trường thì còn có 3 DN (đã bị xử phạt hành chính vừa qua) với 4 đường ống dẫn nước thải được đục đê để đi qua. Ông Doanh cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất của làng nghề dệt Phùng Xá hiện nay là vấn đề xử lý nước thải. Ông Doanh cho rằng, vừa qua, đoàn kiểm tra đã về đánh giá và lên phương án xử lý nước thải cho điểm sản xuất CN của Phùng Xá với kinh phí lên tới 60 tỷ đồng. Theo ông Doanh, đây là mức đầu tư quá lớn, ngoài khả năng của các DN trên địa bàn, bởi, tất cả các DN tại Phùng Xá đều là DN vừa và nhỏ, vốn không nhiều. Làng nghề dệt Phùng Xá đã được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2001, hiện tại, địa phương cũng đang kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái làng nghề. Song, với tình trạng đầu độc sông Đáy như hiện nay, sông Đáy đang tiếp tục “chết”, du lịch sinh thái sẽ phát triển ra sao?

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70610&channelid=5