Đức đối phó với bạo lực như thế nào ?

Chuyện gì đã xảy ra?

(Cadn.com.vn) - Bạo lực hiếm khi xảy ra ở Đức trong thập kỷ qua bất chấp các cuộc tấn công ồ ạt làm rung chuyển các nước Châu Âu. Nhưng chỉ trong một tuần qua, Đức phải quay cuồng với 4 cuộc tấn công bạo lực. 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các vụ xả súng, đánh bom, tấn công bằng rìu và dao rựa. Các nhà chức trách cho biết các vụ tấn công này không liên quan với nhau nhưng chúng báo trước một kỷ nguyên mới về nền an ninh bất ổn của cường quốc số 1 Châu Âu này.

Ngày 18-7, một người tị nạn Afghanistan 17 tuổi tấn công hành khách trên một chuyến tàu ở Wuerzburg bằng rìu và dao, làm 5 người bị thương. Y bị cảnh sát bắn chết. Ngày 22-7, một thiếu niên người Đức có nguồn gốc từ Iran bắn chết 9 người tại Munich trước khi tự sát. Ngày 24-7, tại Reutlingen, một người tị nạn Syria 21 tuổi giết một phụ nữ bằng dao và làm 5 người khác bị thương sau đó bị bắt. Một ngày sau đó, một người Syria 27 tuổi bị từ chối tị nạn tại Đức đã cho nổ tung mình bên ngoài một quán bar ở Ansbach khiến 15 người bị thương.

Nhóm IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Wurzburg trong khi tên đánh bom ở Ansbach có lưu các đoạn băng trên điện thoại cho thấy, y cam kết trung thành với nhóm khủng bố này. Ba lô mang trên người y chứa nhiều mảnh kim loại sắc và y cố gắng để đến một lễ hội âm nhạc có hơn 2.000 người tham dự. Trong khi đó, vụ giết người ở Munich không mang động cơ chính trị. Tay súng David Ali Sonboly - kẻ giết người ở Munich - tiến hành vụ tấn công đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm vụ thảm sát 77 người của phần tử cực đoan cánh hữu Anders Behring Breivik ở Na Uy. Còn kẻ tấn công bằng dao người Syria biết rõ nạn nhân của mình.

Phát ngôn viên chính phủ Đức, bà Ulrike Demmer cho biết, các cuộc tấn công không liên quan với nhau và không có cùng một "mô hình". Tuy nhiên, ông Raffaello Pantucci đến từ Viện Thống nhất Hoàng gia (RUSI) cho biết, vụ tấn công đầu tiên có thể đã ảnh hưởng đến những vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, các nghi phạm hầu như đều có vấn đề về tâm thần.

Kẻ tấn công ở Reutlingen bị bắt sau khi giết chết một phụ nữ. Ảnh: BBC

Chính sách tị nạn sai lầm?

Những dòng người tị nạn ồ ạt đến Đức trong thời gian qua có thể là nguyên nhân dẫn đến bất ổn, vì thực tế là 3 trong số những kẻ tấn công ở trên là người tị nạn. Tất cả khiến người ta hoài nghi về chính sách mở cửa cho người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, trong đó tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư vào Đức trong năm qua.

Chính phủ Đức cố gắng để làm chệch hướng chỉ trích này với lập luận, khả năng một người nào đó trong số những người tị nạn là thủ phạm của chủ nghĩa khủng bố là không lớn. Đức vẫn chưa phải gánh chịu một cuộc tấn công khủng bố lớn như những gì đã xảy ra ở Paris và Nice - nhưng theo ông Pantucci, điều đó không có nghĩa là Đức không phải là mục tiêu. Các phần tử thánh chiến trở về nước đã khai với các nhà điều tra rằng, IS quan tâm đến việc tuyển dụng ở Đức và Anh để tăng cường khả năng thực hiện các cuộc tấn công ở những nước này.

Đức đã sẵn sàng?

Đức hiện có các cơ quan cảnh sát và tình báo riêng biệt cho từng khu vực cũng như các cơ quan liên bang. Điều này có thể cho phép các âm mưu tấn công dễ dàng "lọt lưới" nếu tình báo không được chia sẻ một cách hiệu quả.

Một đánh giá của tình báo Pháp phát hiện, các cuộc tấn công trên có thể được ngăn chặn nếu các lực lượng và các cơ quan đã liên lạc với nhau. Những nỗ lực nhằm phá vỡ các âm mưu tấn công cũng có thể khập khiễng vì luật pháp Đức cấm nghe trộm điện thoại của công dân, chứ không giống như ở Anh và Mỹ. Chính phủ Đức hiện đang cố gắng mở rộng phạm vi của cơ quan tình báo Bundesnachrichtendienst nhằm thu thập được nhiều dữ liệu hơn, nhưng đạo luật mới được đề xuất vẫn chưa được thông qua.

An Bình
(Theo BBC, CSmonitor)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_152171_du-c-do-i-pho-vo-i-ba-o-lu-c-nhu-the-na-o-.aspx