Đức tiếp đòn trừng phạt, năng lượng Nga gặp họa

Liên quan đến tuabin khí được chuyển tới xây dựng nhà máy điện ở Crimea, Đức quyết trừng phạt cả Bộ Năng lượng Nga.

Ngày 24/7, Chính phủ Đức đã lên tiếng yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt vì liên quan tới vụ kiện của một doanh nghiệp nước này hoạt động giao thương với Crimea thông qua đối tác Nga.

Hai tuabin khí được vận chuyển tới Crimea mà nhà sản xuất Đức không biết.

Người phát ngôn của Chính phủ Đức, bà Ulrike Demmer cho biết, Tập đoàn Siemens cho biết họ có bằng chứng cho thấy cả 4 tuabin khí được giao cho một dự án ở miền Nam nước Nga có tên là Taman nhưng đã được chuyển trái phép tới Crimea trong mùa hè năm 2016.

Bởi các hoạt động giao thương hay vận chuyển hàng hóa liên quan tới bán đảo Crimea được quy định trong các lệnh trừng phạt đối với Nga, Tập đoàn này đã vướng phải một vụ kiện pháp lý rắc rối khiến Chính phủ Đức từng cảnh cáo về việc quan hệ của hai nước có thể gặp sóng gió.

Bà Demmer khẳng định hành động này là "không thể chấp nhận được" vì nó vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của tập đoàn mà quan trọng hơn là các quy định của EU.

Những đối tượng bị đề nghị bổ sung vào danh sách trừng phạt lần này sẽ gồm một số quan chức Bộ Năng lượng Nga và công ty đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển các tuabin khí trên tới Crimea.

Tập đoàn công nghiệp Siemens trước đó đã tuyên bố sẽ rút khỏi công ty liên doanh Interautomatika của Nga sau khi phát hiện 4 tuabin khí mà Interautomatika bán cho một số công ty tại nước này lại xuất hiện ở Crimea.

Siemens đồng thời phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga.

Siemens cũng sẽ chấm dứt thỏa thuận cấp phép cho thiết bị sản xuất điện mà tập đoàn đã ký với nhiều công ty Nga, đồng thời đang cân nhắc khả năng hợp tác giữa các công ty chi nhánh của tập đoàn và nhiều tổ chức khác trên thế giới liên quan đến giao dịch hàng hóa với Nga.

Năng lượng vốn là lĩnh vực quan trọng bậc nhất của Nga nhưng trong thời gian vừa qua đã phải chịu nhiều cú sốc lớn từ việc sáp nhập bán đảo Crimea dẫn tới các lệnh trừng phạt từ cả Mỹ và châu Âu.

Hôm nay 25/7, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật mới áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Nga vì tình hình ở Crimea và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Được thông qua tại Thượng viện vào hồi tháng trước, các biện pháp này còn áp đặt cả các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga.

Trong số các đề xuất trừng phạt mới nhằm vào Nga, có những quy định nhằm mục đích đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với một số cá nhân đang bỏ vốn đầu tư vào dự án xây dựng đường ống dẫn dầu khí ở Nga. Nó cũng đưa ra nhiều biện pháp gây ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng đường ống dẫn dầu có tên ''Nord Stream 2'' của tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga).

Dự luật cũng sẽ hạn chế khả năng của Tổng thống Donald Trump về việc trừng phạt Nga.

Châu Âu mâu thuẫn với nhau và với Mỹ

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn tiếp tục mâu thuẫn bởi các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ muốn áp đặt lên Nga nhằm vào dự án đường ống khí đốt trị giá 9,5 tỷ USD từ Nga đi qua khu vực Baltic, có thể gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ở chính châu Âu.

Các nước Bắc Âu vốn đang phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga đang cố gắng bảo vệ các lợi ích của mình.

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu phục vụ dự án Nord Stream 2

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan tới Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), trong đó có Tập đoàn dầu khí Wintershall và công ty kinh doanh dầu Uniper của Đức, Tập đoàn Anh- Hà Lan Royal Dutch Shell của Hà Lan, Tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp.

Ông Markus Beyrer, Giám đốc "Business Europe" - tổ chức vận động hàng lang thương mại chính của EU, đã kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và các doanh nghiệp của khối này.

Ngay cả những biện pháp trừng phạt Nga trước đây mà EU đưa ra cũng bị nội bộ EU mâu thuẫn bởi lệnh trừng phạt này kéo theo các biện pháp đáp trả từ phía Nga khiến kinh tế của nhiều nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là nông sản.

Ngày 26/7 tới sẽ diễn ra cuộc họp nhóm của 28 nước thành viên EU và việc trừng phạt Nga sẽ sớm được đưa ra bàn luận.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/duc-tiep-don-trung-phat-nang-luong-nga-gap-hoa-3339830/