“Dục tốc" nhưng phải đạt

(HQ Online)- Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm kịp trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới.

Dự thảo này khá đặc biệt khi một luật sửa tới 12 luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, việc sửa đổi được Ban soạn thảo giới hạn trong ba mục tiêu. Thứ nhất, sửa ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cho phù hợp. Thứ hai, sửa quy trình, thủ tục về đầu tư (kéo theo đó là thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường...) đang bị vướng mắc, cản trở quá trình đầu tư. Thứ ba, sửa để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các luật.

Mặc dù dự thảo luật đang được Ban soạn thảo “chạy đua” để hoàn tất, song mọi việc cũng còn khá ngổn ngang. Đơn cử như tại mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất, sửa ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đến nay trong tổng số 267 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hiện, các bộ, ngành đã đề xuất bỏ 68 ngành, nghề; sửa 26; bổ sung 12 và hợp nhất 17. Việc bỏ đi, sửa đổi hay bổ sung số lượng ngành nghề như trên rõ ràng không thể thông suốt, hoàn thiện trong ngày một ngày hai bởi điều này tác động tới nhiều đối tượng khác nhau và cần lấy ý kiến rộng rãi.

Thực tế, quy định pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Do vậy, cái gì gây khó cho DN thì phải sửa, thậm chí sửa nhanh mới mong tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, dần tăng tính cạnh tranh cho DN. Tuy nhiên, việc phải sửa một lúc nhiều luật, đặc biệt là trong số đó có cả những luật trước đây ở giai đoạn soạn thảo được nhìn nhận tiến hành rất cẩn trọng, toàn diện... thực sự là điều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài ra, luật mà cứ sửa liên tục cũng làm xáo trộn, gây ra sự thiếu ổn định. Điều này có thể khiến mục tiêu tạo thuận lợi cho DN có phần phản tác dụng, đồng thời cũng khiến các nhà đầu tư ngoại dè dặt hơn khi hướng đến thị trường Việt Nam.

Ở một góc độ khác, dễ thấy trong “câu chuyện” này, dù muốn nhanh chóng khắc phục những bất cập, tạo thuận lợi cho DN thì sửa cả một hệ thống các luật như trên cũng cần không ít thời gian. Do đó, để tránh rơi vào “vết xe đổ” luật vừa ra đời đã sắp lỗi thời thì các nhà làm luật cần thật cẩn trọng suy xét, sự hợp lý của từng luật riêng biệt cũng như sự hòa hợp giữa các luật với nhau. Thực tế vừa yêu cầu “dục tốc" nhưng vẫn phải "đạt”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/duc-toc-nhung-phai-dat.aspx