Dùng bùn đỏ 'lọc' khí biogas

Từ bùn đỏ, các nhà khoa học có thể chế viên lọc xử lý lưu huỳnh trong khi đốt, dùng trong đun nấu.

Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Lọc Hóa Dầu (RPTC), ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM và ĐH Tokyo đã thống nhất chọn: Viên lọc được sản xuất từ bùn đỏ để xử lý khí lưu huỳnh(H2S) trong khí biogas trước khi đưa vào bếp đốt của dự án biomass tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM. Đây là dự án là ứng dụng các công nghệ thích hợp để tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt như: trấu, rơm rạ, chăn nuôi… để làm nhiên liệu sinh học, biogas, phân bón phục vụ lại cho việc chạy động cơ máy móc trong sản xuất nông nghiệp, thắp sáng, phân bón, đun nấu… Trước đó, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương (Bidofood) với khí biogas lên đến 10.000m3/ngày cũng đã sử dụng viên lọc này để lọc khí lư huỳnh trong quá trình sấy bột và chạy máy phát điện. Theo tiến sĩ Quyền, nhờ đặc tính nhiều sắt và nhôm của bùn đỏ, bổ sung thêm một số chất cần thiết khác và tạo thành viên để lọc lưu huỳnh trong khí biogas trước khi đốt (trong biogas ngoài lưu huỳnh còn có CO2 và nước, nhưng lưu huỳnh là chất khó xử lý và gây hại cho thiết bị đốt). Sau thời gian lọc khoảng 6 tháng, sẽ được đưa ra tách lưu huỳnh để tái sử dụng. So với việc xử lý lưu huỳnh bằng mạt sắt trước đây, bùn đỏ xử lý được lưu huỳnh hoàn toàn và chi phí thấp hơn. Theo tiến sĩ Quyền, ngoài việc áp dụng hút lưu huỳnh trong biogas, còn xử lý lưu huỳnh trong các môi trường, công việc khác. Võ Anh

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Dung-bun-do-loc-khi-biogas/20104/88986.datviet