Dựng chân dung 'báu vật' của nhân gian

35 phút, không lời bình, chỉ có hình ảnh, âm nhạc và lời kể của nghệ nhân Hà Thị Cầu, năm nay đã 95 tuổi, người được mệnh danh là 'Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20', nhưng bộ phim 'Xẩm đỏ' đã lắng đọng cả cuộc đời 'ba chìm bảy nổi' của bà. Bộ phim do Trung tâm UNESCO Điện ảnh phát triển và Công ty Truyền thông Tứ Vân xây dựng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và nghệ nhân Hà Thị Cầu

1.200 và 35

Từ hơn 1.200 phút phim tư liệu, đạo diễn Lương Đình Dũng đã chắt lọc để làm nên 35 phút phim “Xẩm đỏ” về nghệ nhân Hà Thị Cầu. Một câu chuyện được kể bằng thủ pháp tương phản: Hình ảnh và tiếng hát của 2 thanh niên trẻ đi hát rong xin tiền ở phố Hàng Bạc thời nay khác xa với chiếc đàn nhị và cuộc đời đã đi gần trọn một thế kỷ nghèo khó, gian truân của nghệ nhân Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Chỉ cách một ô cửa sổ nhỏ, nhưng cuộc đời bên ngoài là ồn ã ô tô, xe máy, là những tất bật, bon chen, còn thế giới của cụ Cầu là ở bên trong cửa sổ, một không gian chật chội, tuềnh toàng và xưa cũ. Tiếng đàn nhị, tiếng phách, tiếng hát có lúc nhạt nhòa trong hối hả đời thường, làm cho chúng ta không khỏi xót xa. Tạm lánh dòng đời hối hả, trong ánh hoàng hôn đang nhuốm đỏ bên ngoài cửa sổ, chúng ta cùng lắng nghe, lặng nhìn và suy ngẫm về câu chuyện đạo diễn Lương Đình Dũng kể về chuyện đời thăng trầm của nghệ nhân xẩm đã gần trăm tuổi...

Bà Cầu, tên thật là Hà Thị Năm, sinh năm 1917 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Từ năm lên tám, cô bé Hà Thị Năm đã phải theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Không biết tự lúc nào, bà đã nhập tâm làu làu những câu hát rong nơi kẻ chợ. 16 tuổi, cha mất, cô Hà Thị Năm về làm vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Năm đó, ông Mậu 49 tuổi, nhưng chưa có được mụn con nào với 17 bà vợ trước. Bà Hà Thị Năm sinh hạ bẩy lần, nhưng chỉ có ba người sống sót. Ngay cả những ngày ở cữ, bà vẫn phải hát. Vừa sinh Mận (con gái đầu lòng) được ba ngày, cô Năm đã phải trao con cho bà cả để ra chợ ngồi hát lấy tiền nuôi con. Những lúc tưởng kiệt sức, không cất được nổi giọng, thì cô đành phải uống rượu để cầm hơi. Khi ông Mậu qua đời, cô Năm còn bụng mang dạ chửa người con út. Khi sinh ra, do không có gì nuôi, cô Năm đành phải dứt ruột cho đi cậu con trai. Khi trao con, cô chỉ kịp nói với con một câu: “Mẹ là người hát xẩm giời đày tên Năm”, rồi im lặng cúi xuống để người ta bế con đi. Từ đấy, cô Hà Thị Năm đã đổi tên thành Hà Thị Cầu với mong mỏi sau này, đứa con lưu lạc sẽ tìm về với mẹ. Còn bà với cây đàn và những câu hát lang thang khắp chốn cùng quê từ Bắc vào Nam để kiếm bát cơm, manh áo cho bầy con dại.

Cụ kể, những lần được cho một bát cơm, mừng tới nỗi buông cả đàn, chạy vội về xẻ cho đứa con gái nhỏ. Rồi có những đêm giao thừa, mấy mẹ con vẫn dắt díu nhau ngoài đường mưa lạnh, thèm một mái lá chở che. Đói rách, khổ nhục, tiếng ca, tiếng đời như vận vào với nhau khiến bà không còn muốn định nghĩa thế nào là khổ đau, thế nào là sung sướng. Nỗi đau đời từ thuở lọt lòng thấm vào tim bà để rồi mỗi khi bà Hà Thị Cầu cất tiếng lên thì bổng trầm, thanh rền như tiếng than thân phận. Tiếng hát ấy sau này đã giúp bà tìm được anh Cầu và đưa bà lên ngôi Nghệ nhân hát xẩm có một không hai của Việt Nam.

Tiếng là nghệ nhân, được trao giải thưởng Đào Tấn, bằng khen treo đầy vách, nhưng bà vẫn rất nghèo, vẫn phải đi hát lấy tiền sinh nhai. Thời gian gần đây, bà yếu không đi hát được nữa phải nằm liệt giường, nhưng vẫn lầm rầm hát xẩm. Gần trăm tuổi, mà bà hát vẫn rất khỏe, giọng chắc nịch, rõ ràng, từng câu từng chữ bà luyến láy, nhấn nhá, ậm ừ chất chứa vô vàn những thăng trầm, uẩn khúc...

Báu vật và sự hữu hạn

Cuộc đời thăng trầm của nghệ nhân Hà Thị Cầu hiện lên qua từng khuôn hình, từng lời kể, từng tiếng hát, tiếng đàn mà tuyệt nhiên không có lời bình nào. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, lúc đầu anh cũng định viết phim có lời bình, nhưng sau khi tiếp xúc với cụ Cầu và xem lại toàn bộ tư liệu phim, anh đã quyết định làm phim không lời bình. Bởi anh muốn người xem tự cảm nhận về cuộc đời và con người của cụ Cầu một cách chân thật nhất. Anh đã kiên nhẫn quay trong suốt 2 năm để có được những khuôn hình tự nhiên như cuộc đời thật của bà. Đạo diễn cũng cho biết, khi làm xong bộ phim này thì ấn tượng nhất về con người cụ Cầu đó là sự chân chất. Cả đời mình, cụ Cầu đã dùng xẩm để tồn tại.

Xem xong 35 phút phim, những khuôn hình ám ảnh người xem nhiều nhất là những cảnh cụ Cầu hát xẩm dưới gốc cây gạo nơi góc chợ quê, là hình ảnh một cụ bà mặt đầy những nếp nhăn sâu của thời gian, vẫn bỏm bẻm nhai trầu tay đàn, miệng hát. Cả đời cụ Cầu đã vịn vào những câu hát xẩm mà nuôi chồng, con và giờ đây, những câu hát ấy vẫn là bạn tâm giao với cụ, chia sẻ những cay đắng, vui buồn một kiếp nhân sinh. Điều làm cho người xem kinh ngạc là dù đời cụ Cầu ít có những phút giây sung sướng, nhưng cụ lại luôn luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tươi sáng và ấm áp. Những câu hát mà cụ đặt lời trong bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” rất khỏe khoắn và lạc quan. “Thông qua cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu, tôi muốn người xem hiểu được rằng, trong tiếng hát xẩm là tình người lớn lao và tình yêu âm nhạc đã hóa giải tất cả những nỗi bất hạnh của đời cụ. Với tôi, cụ là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những binh biến, loạn lạc của thời cuộc, xuyên qua những bất hạnh và nghèo đói của cuộc đời. Cụ đối diện với người đời bằng tiếng hát và một tấm lòng nồng hậu” - Đạo diễn Lương Đình Dũng tâm sự.

Chính vì thế, đạo diễn trẻ này vẫn đang ấp ủ dự định làm tiếp những bộ phim về nghệ nhân Hà Thị Cầu, để lưu giữ lại tài sản vô giá về một “báu vật nhân văn sống”.

Thành Nam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dung-chan-dung-bau-vat-cua-nhan-gian/