Dựng chèo kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng

Vương nữ Mê Linh, vở diễn nêu cao khí phách anh hùng của Hai Bà Trưng trong việc đánh quân Nam Hán thống nhất bờ cõi, sẽ chính thức ra mắt công chúng từ 21/8.

Nhà hát Chèo Hà Nội vừa ra mắt vở diễn mới Vương nữ Mê Linh nói về hai chị em nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Vương nữ Mê Linh (tác giả: Nhật Linh, chuyển thể chèo: NSƯT Xuân Hanh, đạo diễn: NSƯT Thúy Mùi) phỏng theo ý kịch bản của Hàn Thế Du và Đặng Đình Lưu.

Vở diễn nêu cao khí phách anh hùng của Hai Bà Trưng trong việc đánh quân Nam Hán thống nhất bờ cõi. Đây là vở diễn “điểm” của Nhà hát trong năm 2013 với sự đầu tư lớn.

Nhà hát chèo Hà Nội từng đầu tư lớn cho việc “cách tân” chèo khi dựng vở Oan khuất một thời cách đây vài năm, sau đó là Cao Bá Quát, trước đó là phục dựng vở Nàng Sita… mang hơi thở đời sống đương đại từ nội dung, cách hát, cách dàn dựng, thủ pháp nghệ thuật đến việc đầu tư âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, thiết kế trang phục… rất hiện đại, cập nhật để các vở diễn vẫn rất Chèo nhưng thổi vào đó luồng gió mới nhằm chinh phục khán giả hiện tại.

Vở diễn lần này cũng vậy, Nhà hát cũng đầu tư lớn khi mời biên đạo múa Tấn Lộc cùng nhà thiết kế Sỹ Hoàng – 2 nhân vật nổi tiếng của showbiz Sài Gòn cùng tham gia vở Nữ vương Mê Linh. Vì thế, trang phục và các phân đoạn có múa sẽ tạo nên điểm nhấn thú vị của vở diễn. Đây có thể coi là vở diễn lớn nhất mà giám đốc – NSƯT Thúy Mùi trực tiếp đóng vai trò đạo diễn tính đến thời điểm này

Các vai chính của vở diễn lần này cũng được Lãnh đạo Nhà hát mạnh dạn giao cho những gương mặt tài năng trẻ của Nhà hát như Thục Khánh, Quốc Phòng, Quang Dương, Thảo Quyên, Thúy Lành, Huyền Trang…

Đây là những gương mặt trẻ vừa có thanh vừa có sắc lại có lối diễn tươi mới, bài bản và khá sâu sắc, là những gương mặt trẻ đầy triển vọng của Nhà hát. Đặc biệt với sự tham gia của 2 ngôi sao gạo cội NSƯT Quốc Anh và NSƯT Đình Thuận làm nền tảng tin cậy cho thế hệ trẻ.

Vở diễn sẽ ra mắt công chúng bắt đầu từ 21 -30/8 tại Rạp Đại Nam 89 phố Huế và 5/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Hai Bà Trưng là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, hậu duệ đời thứ 25 của Vua Hùng- họ Lạc. Thân mẫu của Hai Bà tên là Trần Thị Đoan (tục danh là bà Man Thiện), có nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ.

Ngày 01 tháng 8 năm Giáp Tuất (14.CN) bà Man Thiện sinh một lần được hai con gái. Vì là nhà tằm tơ, nên 3 năm sau, mới đặt tên cho cô chị là Trắc (lứa đầu - ''lứa chắc'' theo cách tính của nhà nuôi tằm), cô em là Nhị (''lứa nhì''- lần thứ hai)

Năm 19 tuổi, cha mẹ gả cô chị là Trắc, lấy con trai quan Lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách tức là năm Canh Thìn (32. CN). Vợ chồng đoàn tụ mới được vài năm thì Thi Sách bị Tô Định giết chỉ vì con hai nhà tướng kết hôn với nhau, trở thành một lực lượng lớn, không có nơi cho sự thống trị của nhà Hán.

Căm giận quân giặc bạo ngược, vì nợ nước nay lại thêm mối thù nhà, bà Trắc đã cùng với em là Nhị phát động trong toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên cùng đánh giặc. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam được tin quận Giao Chỉ khởi nghĩa đều nổi lên hưởng ứng.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý (40CN) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc ở đầu công nguyên.

Đó là cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lập nên một Nhà nước vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ đầu tiên thời kỳ ấy. Chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm (207 TCN - 39 CN).

Cũng bởi ý chí anh hùng hào kiệt mà trải qua hàng nghìn năm về sau, sự nghiệp và danh tiếng của Hai Bà mãi mãi còn lưu danh. Những sự kiện lịch sử về hai Bà và cuộc khởi nghĩa năm 40 CN đánh đuổi Tô Định, năm 42 CN chống Mã Viện xâm lược đã theo dòng thời gian chuyển hóa thành các sự tích văn hóa, vào huyền thoại, đi vào tâm linh và tín ngưỡng cộng đồng người Việt Nam.

H.Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Van-hoa/Dung-cheo-ky-niem-2000-nam-ngay-sinh-Hai-Ba-Trung/104436.info