Đừng chỉ đổ lỗi cho Ban phụ huynh

Vai trò của Ban đại diện cha mẹ phụ huynh trong nhà trường đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng trên cương vị phụ huynh, không ít người cho rằng đừng nên vì hiện tượng mà phủ nhận vai trò của những người đang làm công việc 'vác tù và hàng tổng'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những người “vác tù và hàng tổng”

Con gái học tại một trường tiểu học có tiếng tại Hà Nội, chị Phan Thanh Thảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trong hơn 4 năm, khoản thu lớn nhất mà Ban phụ huynh lớp con chị phải thống nhất là tiền mua điều hòa vào năm lớp 1. Sau đó, tiền quỹ lớp mỗi năm là 1 triệu và trong số gần 60 phụ huynh trong lớp, không thấy ai thắc mắc gì.

“Đầu năm cô giáo chủ nhiệm động viên các phụ huynh xung phong vào Ban phụ huynh lớp trên tinh thần tự nguyện, nhưng đâu phải ai cũng sẵn sàng. Bản thân tôi công việc bận rộn từ sáng đến tối, làm sao kiêm thêm việc này được.

Đừng nói làm việc này chỉ nhận cho có. Thực tế, tôi thấy các mẹ trong hội phụ huynh cũng phải làm không công rất nhiều việc mà không có sự nhiệt tình, hết mình vì các con thì không thể làm được.

Tôi đơn cử, lớp con tôi học bán trú ngoài nhà trường. Cha mẹ chẳng bao giờ để ý đến chăn gối của các con, nhưng tháng nào chúng cũng được mang đi giặt sạch. Hội phụ huynh làm chứ ai, nói việc nhẹ, nhưng cũng phải bỏ công ra chứ.

Rồi cuối kỳ khen thưởng học sinh, con nào cũng được một món quà nhỏ. Để có được, Ban phụ huynh phải ngồi bàn xem mua gì hợp lý, tìm chỗ mua giá rẻ, lại mất cả buổi đi mua, đóng gói… Có ai trả công cho những việc ấy đâu” – chị Thảo chia sẻ.

Một lần cố gắng lắm mới thu xếp đi cùng con trong chuyến thăm quan lớp tổ chức ở ngoại thành Hà Nội, chị Thảo mới biết thêm những công viêc không tên mà Ban phụ huynh tự nguyện làm, không phải một lần này mà lần thăm quan nào cũng vậy.

“Các mẹ trong Ban phụ huynh đến sớm nhất, giúp cô giáo ổn định học sinh, trông nom các con trong suốt chuyến đi. Không chỉ thế, các chị chu đáo đến mức dậy từ rất sớm để chuẩn bị các món các con thích như khoai tây chiên, gà rán, nấu xôi ruốc … mang theo để ăn cho an toàn. Mấy chục suất ăn chuẩn bị đâu phải chuyện đơn giản” – chị Thảo kể lại.

Chia sẻ về những bức xúc thu chi liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh, chị Thảo thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân xâu xa không phải từ việc có hay không có Ban đại diện cha mẹ học sinh mà là ở những người đứng đầu nhà trường.

“Trường không có chủ trương chi thì Ban phụ huynh nghĩ ra làm gì cho mệt, lại mang tiếng là “cánh tay nối dài” cho giáo viên chủ nhiệm gì đó. Nhưng nếu lớp nào có Ban phụ huynh có tiếng nói, sẵn sàng trao đổi, phản biện với nhà trường thì sẽ không có chuyện bức xúc.

Tuy nhiên, không phủ nhận không ít Ban phụ huynh hiện nay còn mang tâm lý cả nể, không dám trái ý nhà trường nên mới xảy ra chuyện thu chi không hợp lý khiến dư luận không đồng tình” – chị Thảo chia sẻ.

Khi phụ huynh cùng lên tiếng

Câu chuyện mà chị Phạm Minh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại có phần khác. Năm nay là năm đầu tiên có con vào lớp 1, chị tìm mọi cách xin cho con vào một trường dân lập có tiếng gần nhà. Đến nay đã hơn hai tháng, chị rất hài lòng vì cô giáo chủ nhiệm tâm huyết và con rất thích đi học.

Chị kể: Lớp chỉ có 30 học sinh, phụ huynh toàn người trẻ tuổi, năng động. Tuy ít có cơ hội trò chuyện trực tiếp nhưng đã biết nhau khá nhiều vì lớp lập facebook riêng của phụ huynh để tiện trao đổi từ đầu năm. Đặc biệt một số mẹ rất nhiệt tình, sáng nào cũng đến sớm cùng cô chuẩn bị bàn ghế ngay ngắn cho các con; tự ứng tiền mua hoa tặng lớp dịp khai giảng… Thế là mọi người bầu các mẹ vào Ban phụ huynh luôn. Đây thực sự là phụ huynh tự bầu chứ không hề có tác động gì từ giáo viên chủ nhiệm.

Vừa mới họp phụ huynh được hơn 1 tuần, nội dung cũng có việc thu quỹ lớp như tất cả các lớp khác, nhưng khác là mức thu không ấn định ngay mà Ban phụ huynh đề nghị sẽ cùng nhau bàn bạc, lập một bảng công việc chi tiết cần chi cho các con trong năm, để từ đó ấn định mức đóng quỹ. Sau đó, bảng này được công khai trên nhóm kín của ban phụ huynh lớp để mọi người cùng cho ý kiến.

“Hiện nay lớp đã thống nhất được mức chi và đó đúng là kết quả của ý kiến tập thể. Nhưng có lẽ, ở trường này chúng tôi dễ hơn vì nhà trường rất quyết liệt và có quy định rõ ràng trong việc tập thể lớp tặng quà cho giáo viên, đặc biệt trong các dịp lễ tết. Mòn quà phải dưới 500 ngàn đồng và tuyệt đối giáo viên không được nhận phong bì” – chị Hương chia sẻ.

Đặc biệt, mới hôm trước, nghe nhà trường có chủ trương tăng học phí, Ban phụ huynh lớp được mời đến cuộc họp để thống nhất về chủ trương này, chị Hương đã xung phong vào Ban phụ huynh để muốn “đối chất” với nhà trường.

“Không chỉ tôi mà một số mẹ khác cũng lên tiếng muốn tham gia vào Ban phụ huynh để dự cuộc họp với trường sắp tới về tăng học phí. Chúng tôi phải nói lên tiếng nói của mình” – chị Hương cho biết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dung-chi-do-loi-cho-ban-phu-huynh-3838947-v.html