'Dừng chọi trâu Đồ Sơn, có cháu thiếu nhi ôm mặt khóc'

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) nói như trên tại buổi tọa đàm sáng nay về chọi trâu ở địa phương mình.

“Toàn thể nhân dân Đồ Sơn đang mong chờ, trông ngóng tọa đàm ngày hôm nay. Khi xảy ra sự cố và  Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn phải tạm dừng, có những cháu thiếu nhi ôm mặt khóc”, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn nói tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng" tổ chức sáng 7-9.

Kiên quyết giữ

Tại tọa đàm, ông Minh cũng đưa ra những giải pháp khắc phục để tăng cường quản lý lễ hội. Cụ thể như ban tổ chức sẽ bổ sung các nội dung về tiêu chí các chủ trâu tham gia lễ hội. Việc lựa chọn, huấn luyện và chăm sóc trâu trong đó đặc biệt là việc sử dụng chất kích thích. Việc chủ trâu tham gia lễ hội sẽ phải được lựa chọn thông qua ý kiến bầu của đại biểu cộng đồng dân cư...

Về sân thi đấu, ban tổ chức lễ hội chọi trâu sẽ tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; Thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát trâu zíc – zắc bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu. Cùng với đó là tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành trong sân và hai cổng thoát trâu; Quy định số người dắt trâu vào sân thi đấu, vị trí của trọng tài, chủ trâu và trong quá trình thi đấu không có người đứng trong sân; Đưa ra các giải pháp xử lý đối với các trâu có biểu hiện bất thường.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nên giữ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, hội chọi trâu nằm sâu trong tiềm thức con người vì thế không lý do gì để cấm đoán.

“Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, không những thế cần tiếp tục từ đời này sang đời khác. Về giải pháp cho lễ hội chọi trâu, tôi thấy bàn tay quản lý của chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, sát sao hơn nữa. Không để cho lễ hội chọi trâu bị biến tướng thành thương mại hóa lễ hội”, ông Thanh nói.

Giáo sư Nguyễn Chí Bền cho rằng không thể cấm các di sản văn hóa phi vật thể theo tư duy thời chiến tranh và bao cấp. "Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Giải pháp là phải đổi mới tổ chức lễ hội, chúng ta đang nói đến con vật chứ không phải con người. Con vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, không thể tiên liệu. Tôi đã đọc dự thảo quy chế của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn của quận Đồ Sơn nhưng chúng ta vẫn phải cần thận. Những giải pháp như xây tường rào chắc chắn hơn cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp chiến lược phải xây dựng mô hình đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn", ông Bền nhấn mạnh.

Để cộng đồng quyết định

Kông đồng ý việc bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên  giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng cần có giải pháp như thế nào về việc giết thịt trâu sau khi thi đấu để không mất đi tính tâm linh. Trong lịch sử, lễ hội chọi trâu không giết trâu.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội văn học, văn nghệ dân gian Việt Nam nói: “Điều gì cũng bắt nguồn từ dân, từ cộng đồng, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn có tồn tại hay không do cộng đồng người dân Đồ Sơn quyết định chứ Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch hay các nhà khoa học có thể quyết định cấm hay không cấm. Chúng ta nên ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ tiếp tục lễ hội này”, ông Sơn nêu ý kiến.

Ngoài ra,  ông Sơn cũng cho biết, Đồ Sơn cần tận dụng và biến lễ hội chọi trâu trở thành sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại không thể bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

“Nói như anh Sơn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có quyền cấm lễ hội chọi trâu là cũng không đúng, nếu như lễ hội tiếp tục xảy ra hiện tượng như thế thì cơ quan quản lý nhà nước phải cấm. Tuy nhiên cơ quan quản lý đã làm gì và không làm gì khi sự việc xảy ra mới là câu chuyện đáng nói”, Tiến sĩ Lương Hồng Quang bày tỏ.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/dung-choi-trau-do-son-co-chau-thieu-nhi-om-mat-khoc-725796.html