Đừng chủ quan: Khàn giọng quá 3 tuần, có thể do bị ung thư thanh quản

Nhiều người bị khàn giọng lâu ngày cứ nghĩ mình bị viêm thanh quản hay viêm họng mạn tính; nhưng thường viêm họng, viêm thanh quản không kéo dài thời gian khàn giọng quá 3 tuần. Vì thế, nếu ai bị khàn giọng quá thời gian ấy, có thể do mắc ung thư thanh quản.

Hiện có nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM để nội soi hầu họng nhằm kiểm tra bệnh

Bác sĩ Thái Hữu Dũng – Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM sáng 21.2 đã chia sẻ với báo chí như thế tại buổi chuyển giao kỹ thuật phương pháp phẫu thuật ung thư thanh quản qua đường miệng bằng laser với những trường hợp khó.

Theo bác sĩ Dũng, hiện bệnh nhân mắc ung thư thanh quản đứng thứ 2 trong các loại ung thư ở tai mũi họng, chỉ sau ung thư vòm hầu họng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 đến 70.

Trong đó, phần lớn là nam giới, tỷ lệ nam giới mắc ung thư thanh quản cao gấp 4 lần so với nữ giới. Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư thanh quản là hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu. Triệu chứng ban đầu của ung thư thanh quản là bị khàn giọng, sau đó khó thở, nổi hạch ở cổ...

Để sớm phát hiện bị ung thư thanh khi phát quản, bác sĩ Dũng khuyến cáo người bệnh khi phát hiện có dấu hiệu bị khàn giọng khoảng 3 tuần nhưng không khỏi thì phải đến bệnh viện để nội soi hầu họng nhằm phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ của ung thư thanh quản.

“Nhiều người bị khàn giọng lâu ngày cứ nghĩ là bị viêm thanh quản hay viêm họng mạn tính; nhưng thường viêm họng hay viêm thanh quản không kéo dài thời gian khàn giọng quá 3 tuần. Vì thế, nếu phát hiện bị khàn giọng quá 3 tuần có thể có nguy cơ mắc ung thư thanh quản”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Theo Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, với máy phẫu thuật vừa được chuyển giao, bác sĩ có thể thực hiện những trường hợp ung thư thanh quản T2, T3. Đây là những trường hợp ung thư thanh quản phức tạp, khối u không chỉ nằm ở trong thanh quản mà còn xâm lấn vào nhiều vùng khác; đồng thời máy cho phép thực hiện phẫu thuật những khối u có kích thước lớn.

PSG-TS-BS Trần Phan Chung Thủy - Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết nếu như trước đây với loại máy cũ, chỉ cho phép thực hiện những trường hợp ung thư thanh quản ở mức độ đơn giản, khối u chỉ nằm trong thanh quản, chưa xâm lấn và có kích thước nhỏ; còn lại những trường hợp phức tạp, có kích thước lớn phải thực hiện mổ hở, thì nay loại máy mới vừa được chuyển giao kỹ thuật cho phép thực hiện cả những trường hợp ung thư thanh quản phức tạp hơn, không cần phải mổ hở.

Bác sĩ Thủy cho rằng phương pháp phẫu thuật ung thư thanh quản qua đường họng miệng bằng laser giúp các bác sĩ có thể phát hiện hết những khối u, các mô bệnh nhỏ nằm trong thanh quản thông qua kính hiển vi, để xử lý triệt để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bị tái phát trở lại.

“Tỷ lệ tái phát ở mổ hở đối với bệnh nhân ung thư thanh quản lên đến 10%, nhưng ở mổ bằng phương pháp laser chỉ khoảng 5%. Thời gian mổ bằng phương pháp laser chỉ khoảng 15 đến 30 phút, còn mổ hở phải đến gần 3 tiếng đồng hồ. Điều đáng nói hơn, nếu mổ hở bệnh nhân phải chịu đau đớn khi vùng cổ bị phá vỡ và phải đặt nội khí quản để thở”, bà Thủy nói.

“Chính việc đặt nội khí quản khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh bội nhiễm, nhất là viêm phổi, thời gian nằm viện kéo dài. Nếu như phẫu thuật qua đường miệng bằng laser thời gian nằm viện sau đó chỉ mất khoảng 1 tuần thì phẫu thuật hở phải mất 2 tuần. Đặc biệt chi phí điều trị ở phẫu thuật hở tốn gấp đôi so với phẫu thuật bằng laser nhưng lại không hiệu quả bằng”, bác sĩ Thủy giải thích.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/dung-chu-quan-khan-giong-qua-3-tuan-co-the-do-bi-ung-thu-thanh-quan-57016.html