Đừng để học sinh giỏi… cụt đường

Ở mùa xét tuyển vào lớp 10 năm học 2017-2018, không ít học sinh giỏi tuyệt đối 4 năm liền ở cấp THCS tại thành phố Nha Trang đã bị rớt trường công lập một cách đau đớn, khiến phụ huynh, đặc biệt là các học sinh, chán nản, mất phương hướng.

Ông Võ Văn Nhân (ngụ phường Tân Lập) có con vừa rớt lớp 10 công lập, cho biết năm nay con ông nộp đơn xét nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lý Tự Trọng và nguyện vọng 2 về Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Theo cách tính xét tuyển của ngành giáo dục, sau 4 năm học cấp 2, con ông Nhân được 41,5 điểm. Trong đó, mỗi năm học sinh giỏi được 10 điểm và cộng thêm 1,5 điểm học nghề loại giỏi; điểm trung bình cả năm cuối cấp là 8,5 điểm. Đây được xem là số điểm khá “chắc cú” để xét tuyển vào trường công lập. Hơn thế, mùa tuyển sinh năm ngoái, Trường THPT Lý Tự Trọng lấy điểm chuẩn là 41,5 và điểm trung bình cả năm lớp 9 là 8,2. Do vậy, ông Nhân tin chắc con mình sẽ đậu vào trường công lập.

Thế nhưng, kết quả công bố điểm chuẩn năm nay của Trường THPT Lý Tự Trọng khiến nhiều phụ huynh và học sinh ngỡ ngàng. Cụ thể, điểm chuẩn là 41,5 và điểm trung bình cả năm lớp 9 lên tới 8,7. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, năm nay có 743 học sinh đăng ký xét tuyển vào Trường THPT Lý Tự Trọng. Với mức điểm chuẩn đã công bố như trên thì có 668 em trúng tuyển, vượt 38 em so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện sở này cũng chưa thống kê được bao nhiêu em bị trượt cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2.

Theo phản ánh chung, nếu là học sinh giỏi 4 năm cấp 2, điểm trung bình cả năm lớp 9 cao hơn 8, thì phụ huynh học sinh tại Nha Trang có tâm lý chung là đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lý Tự Trọng, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (năm ngoái, điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chỉ 38,5). Thế nhưng, năm nay điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi là 40,5. Theo quy định xét tuyển của ngành giáo dục, điểm nguyện vọng 2 phải cao hơn nguyện vọng 1 là 3 điểm. Thế nhưng, 3 điểm cao hơn thì “đào” đâu ra, khi lực học các em học sinh đã là giỏi tuyệt đối nếu chiếu theo thang điểm 10 cho mỗi năm học cấp 2.

Nói về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho biết trước khi có điểm chuẩn, các trường THCS đã tư vấn, hướng dẫn cho học sinh thay đổi, bổ sung đăng ký nguyện vọng lần thứ 2 (thời gian 1 tuần). Tuy nhiên, có thể do phụ huynh, học sinh chủ quan, không chuyển nguyện vọng về các trường tốp thấp hơn. Giải thích của ông Tứ dù hợp lý đi chăng nữa, nhưng nếu nhiều học sinh giỏi đều không được vào học các trường công lập, mà các em hướng đến bằng sự nỗ lực trong suốt 4 năm học cấp 2, là điều chưa hợp tình. Có thể nhận thấy, việc xét tuyển vào lớp 10 công lập như kể trên còn mang yếu tố hên xui. Đã từng có đề nghị ngành giáo dục Khánh Hòa nên tổ chức thi tuyển, chí ít là một thành phố, huyện, thị xã chọn một trường để làm điểm, tạo sự cạnh tranh cho các học sinh giỏi thực sự được vào ngôi trường mà các em đã đặt mục tiêu phấn đấu. Hiện nay, việc thi tuyển vào lớp 10 đã có nhiều tỉnh, thành tổ chức, vì sao một tỉnh có tổng thu ngân sách nằm trong “tốp 10” cả nước như Khánh Hòa lại không thể thực hiện?

VĂN NGỌC

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/dung-de-hoc-sinh-gioi-cut-duong-457348.html