Dung dưỡng mầm loạn

(Toquoc)-Các sự cố liên quan đến V-League và VFF tiếp tục diễn ra.

Tuần trước, bóng đá nước nhà vừa trải qua một lượt đấu đầy bạo lực với máu đổ của cầu thủ Duy Nam của Hà Nội T&T trên sân Lạch Tray. Mặc dù bị đánh nguội khiến máu chảy thành dòng trên mặt nhưng cầu thủ này vẫn không dám nằm cáng cứu thương vì sợ khán giả quá khích ném vật lạ. Tuần này, trên sân Thiên Trường, trọng tài chính Ngô Quốc Hưng cũng đã đổ máu khi cố gắng ngăn cản pha xô xát của số đông cầu thủ hai đội Đồng Tâm Long An và M.Nam Định. Hơn thế, cũng tại sân Thiên Trường, một người của BTC sân bóng đã xông vào phóng viên đang tác nghiệp, cướp máy ảnh và xóa hình ảnh phóng viên này đã chụp về vụ xô xát trên. Vụ việc này khiến người ta nhớ lại buổi họp báo công bố quyết định kỷ luật sân Lạch Tray hồi giữa tuần trước, Ban Kỷ luật VFF đã rất lúng túng trước những phản biện và chứng cứ từ băng ghi hình, ảnh của các phóng viên báo chí đưa ra. Đó là những chứng cứ không hề có trong báo cáo của cả giám sát trận đấu cũng như giám sát trọng tài và ban tổ chức sân. Ngày 14/4, Ban Kỷ luật VFF cũng đã đưa ra thông tin về việc BTC sân Thiên Trường không có lỗi, mà ngược lại phóng viên Duy Bùi mới là người mắc lỗi khi không mặc áo bib (loại áo dành riêng cho phóng viên ảnh), hoạt động sai khu vực và không đeo thẻ hành nghề. Căn cứ để Ban Kỷ luật VFF đưa ra quyết định trên bởi trong các báo cáo của BTC giải, của giám sát trận đấu và tường trình của BTC sân Thiên Trường, tất cả đều đã quy lỗi cho phóng viên Duy Bùi. Điều trớ trêu là hình ảnh đoạn clip do đồng nghiệp VOV ghi lại trên sân Thiên Trường rõ mồn một chuyện phóng viên Duy Bùi bị lực lượng an ninh, bảo vệ khóa tay, lôi xềnh xệch chẳng khác nào tội phạm từ đường piste vào đường hầm để hành hung lại chẳng được những người có trách nhiệm quan tâm, coi là chứng cứ! Hết “tẩn” nhau đến rơi máu trên sân cỏ, CĐV quậy khá khắp khán đài, trọng tài rách mí mắt, đến giờ là cảnh phóng viên bị đối xử như tội phạm trên sân làm cho người ta nghĩ đến một V-League lem luốc chưa từng có trong thể thao Việt Nam từ hàng trăm năm nay. Người cả nghĩ la ngại, sau trọng tài, phóng viên sẽ là tới lượt ai “dính” bạo lực sân cỏ tới đây? Ai cũng biết, báo giới luôn là đối tượng tiên phong trong chống tiêu cực. Ngoài việc đưa lên mặt báo, các chứng cứ thu thập được cũng được đưa đến cơ quan chức năng khi cần. Nên chuyện phóng viên Duy Bùi bị đánh, bị cướp máy ảnh và xóa ảnh đã chụp cảnh cầu thủ xô xát trên sân có thể suy đoán đó là một sự cố ý phi tang. Cao hơn là mục đích dằn mặt những người tiên phong chống tiêu cực. Những gì đã và đang xảy ra tại đấu trường quốc nội buộc người ta phải nhớ lại lời nhận xét của cựu Chủ tịch Mai Liêm Trực: VFF thấp hơn mặt bằng xã hội! Sau Đại hội VFF cách đây chưa lâu, giới quan sát đánh giá là bước lùi của tổ chức này bởi 5 vị trí cao nhất của VFF đều không phải là người có chuyên môn bóng đá. Có lẽ vì thế mà càng ngày tiếng nói của VFF càng vắng và càng thiếu uy. Ngay cả những sự kiện nổi cộm đã và đang diễn ra, nhưng cũng chẳng thấy quan chức VFF nào chính thức đăng đàn để bày tỏ quan điểm. Cắt nghĩa nguyên nhân ư? Quá dễ. Cứ xem họ xử những sai phạm thế nào? Cứ xem họ thả nổi thị trường chuyển nhượng và những tranh chấp giữa các CLB ra sao thì rõ. Ở vòng 8 V-League diễn ra chủ nhật vừa rồi, người ta lặng lẽ ngóng về sân Lạch Tray. May mà đội khách đã… thua. Nếu trận đấu ấy mà hòa hay đội khách thắng như Hà Nội T&T đã thắng ở vòng đấu trước thì không biết sẽ còn có chuyện gì xảy ra. Liệu đó có là một tiền lệ bất thành văn đối với các đội bóng muốn yên thân mỗi khi làm khách ở Lạch Tray? Vì sao vậy? Câu trả lời cũng không quá khó. Vì sau hàng loạt những hành động quậy phá của CĐV ở một số sân đấu, sau những hành động ngang ngược của BTC sân, sau những hành vi vô đạo đức của cầu thủ là những án phạt “có cũng như không”. Có vẻ như VFF đang tạo cho mầm loạn có thêm dưỡng chất phát triển và che đậy cho những gì xấu xa nhất ở các giải bóng đá cao nhất của nước nhà! Thái Nguyên Nhân

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/The-Thao-Su-Kien/Dung-Duong-Mam-Loan.html