Dùng gián tiếp đỡ tải cho trực tiếp

SGTT - Cuộc giao lưu trực tuyến về thuế do cục Thuế TP.HCM, trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM và báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 25.5 thu hút hàng trăm câu hỏi của cá nhân và doanh nghiệp. Từ góc độ người làm việc lâu năm trong ngành thuế, ông Nguyễn Trọng Hạnh (ảnh), phó cục trưởng cục Thuế thành phố cho rằng, phải ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng, giảm tải cho ngành thuế.

Ảnh: Hồng Thái Xin kể hai câu chuyện. Khi tôi công tác qua Mỹ gặp người bạn. Trước khi về, bạn dẫn tôi đi mua quà về kỷ niệm. Có một chỗ bạn khuyên đừng đến, vì chỗ này chuyên bán hàng trốn thuế, người khác thấy được thì kỳ lắm. Thứ hai, một người quen quay về Việt Nam nhưng phải khai và nộp thuế thu nhập ở Mỹ. Khi cần xin visa đi học lại, do ngày hẹn phỏng vấn visa trễ hơn ngày nhập học, người này gửi thư nói rõ trường hợp, ngay lập tức có trả lời được ưu tiên phỏng vấn vào 7 giờ 30 sáng bất kỳ ngày nào. Như vậy, người dân ý thức được trách nhiệm và quyền lợi về nghĩa vụ thuế, còn cơ quan công quyền phải làm tròn trách nhiệm phục vụ người dân. Còn ở ta chưa được vậy. Cán bộ thuế còn biểu hiện làm khó doanh nghiệp, nhưng sâu xa có khi là sự thỏa thuận lợi ích hai bên. Nếu người nộp thuế chánh đáng, anh không phải luồn cúi nhân viên thuế. Và nếu quy định về thuế kín kẽ, lương nhân viên thuế cao, ít ai đi làm chuyện tiêu cực và muốn làm cũng không dễ. Bên cạnh đó, người dân còn chưa rõ tiền thuế của họ được xài cụ thể vào việc gì. Trên các con đường được thi công từ vốn ngân sách nên nói rõ đó là “tiền thuế của các bạn trả cho dự án công ích này”, thì người dân sẽ có một phản ứng khác, ý thức nộp thuế nâng cao hơn. Đầu 1995, toàn địa bàn có 3.300 nhân viên, phục vụ hơn 4.500 doanh nghiệp, với số thuế thu đạt khoảng 8.000 tỉ đồng. Sau 15 năm, số thuế TP.HCM thu năm nay dự kiến hơn 100.000 tỉ đồng. Số lượng doanh nghiệp khoảng 140.000, hộ kinh doanh cá thể hơn 400.000, số hộ hàng năm phải nộp thuế nhà đất khoảng một triệu, số người lao động có quan hệ kê khai nộp thuế trên một triệu, còn nhân viên ngành thuế có khoảng 3.800 người. Nói như vậy để thấy thực tế đòi hỏi phải có phương pháp quản lý thích hợp, chẳng hạn như ứng dụng công nghệ tin học. Sự quản lý của cơ quan thuế đã phải thay đổi, từ thủ công đến ứng dụng các công nghệ, từ chuyện trước nắm tay giăng hàng ngang để làm “bộ lọc”, bây giờ phải phân tích đối tượng có nhiều khả năng gian lận thuế nhất để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, có những giao dịch gián tiếp qua mạng sẽ giúp giảm tải cho giao dịch trực tiếp. Công nghệ hóa việc quản lý không thể nói muốn là được. Nó không chỉ phải được xây dựng trên cơ sở của hàng ngàn các quyết định về thuế. Quan trọng nhất là những chuẩn mực thống nhất cấp quốc gia, nghĩa là chuẩn hóa những tiêu thức để đưa dữ liệu vào được. Không chỉ TP.HCM mà cả nước phải làm, phải có chính sách về công nghệ cho ngành thuế ở cấp quốc gia. Thí dụ, một ứng dụng khai thuế thu nhập cá nhân đang hoạt động, không lường trước một chính sách giãn thuế thu nhập cá nhân, cho phép cá nhân A nộp thuế 100 triệu đồng chia làm ba lần. Chương trình ứng dụng cho vụ “giãn” này không có, không biết ghi 30 triệu nộp lúc đầu ở đâu, 70 triệu còn lại vào đâu. Việc khó quản lý còn do quy định chồng chéo và chưa đầy đủ. Thí dụ luật thuế thu nhập cá nhân đưa ra thì mấy tháng sau có ba, bốn nghị định chỉnh sửa. Ở các nước, dịch vụ tư vấn thuế rất mạnh. Thí dụ ở Nhật, tới mùa khai thuế là mọi người đến các điểm tập trung để hướng dẫn khai thuế, coi đó là công tác xã hội. Nhưng điều đó chỉ có thể làm trên một nền pháp luật chặt chẽ và ý thức xã hội cao. Còn ở ta, như đã nói mở rộng quan hệ gián tiếp, nhưng tờ khai in ra từ thư điện tử có giá trị pháp lý, chữ ký điện tử tôi ký, ra tòa liệu tòa có chấp nhận, tạo ra một loạt vấn đề từ góc độ pháp lý cần quy định cụ thể hơn. Khung pháp luật phải cùng đi với thuế.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/thoi-su/122960/dung-gian-tiep-do-tai-cho-truc-tiep.html