Đừng hại mắt vì thích kính rẻ

Từ 2 năm nay, trên địa bàn TPHCM mọc lên rất nhiều tiệm bán mắt kính. Kính mát và kính thuốc đều được bán với giá rất rẻ. Nhiều người tiêu dùng khi mua mắt kính chỉ quan tâm yếu tố thời trang và giá rẻ, không cần biết có đảm bảo an toàn cho mắt hay không, thậm chí chọn mua kính thuốc mà không có kỹ thuật viên đo tật khúc xạ.

Bác sĩ Phan Phước Thái Bình khám mắt cho bệnh nhân.

Đo tật khúc xạ phương pháp thủ công

Giới học sinh, sinh viên và người lao động thường chọn mua kính thuốc tại các tiệm bán mắt kính giá rẻ. Chỉ tốn từ 70.000 - 100.000 đồng là có được một chiếc kính thuốc cả gọng và tròng, trong khi nếu mua tại bệnh viện mắt hoặc các tiệm kính mắt lớn thì giá không dưới 200.000 đồng. Đã từng đo và cắt kính thuốc tại tiệm mắt kính “siêu rẻ” trên đường Trương Định (quận 3), Mai Thủy Hân (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) kể: “Em bị cận 1,5 độ, thời gian sau này mắt nhìn không rõ nên đi đo lại kính. Sau khi cho thử đeo vài tròng kính mắt, nhân viên ở tiệm cho biết em bị cận 2,0 độ và bán cho em mắt kính mới. Tuy nhiên, từ khi đeo kính mới, em luôn thấy chóng mặt, mỏi mắt và càng ngày nhìn mọi thứ càng mờ. Tới bệnh viện mắt khám lại thì được bác sĩ cho biết mắt em vẫn giữ nguyên độ cận là 1,5 nhưng bị loạn thị 1,0 độ”.

Quan sát tuyến đường Trương Định nổi tiếng về mắt kính giá rẻ, chúng tôi thấy có gần 30 tiệm kính mắt với quy mô khá nhỏ, hầu hết đều có dịch vụ đo và cắt kính thuốc nhưng rất ít tiệm trang bị máy đo mắt. Chúng tôi ghé tiệm kính mắt Lan (số 142 Trương Định, quận 3) hỏi đo để cắt mắt kính. Một nhân viên ở đây ân cần mời chúng tôi lựa gọng rồi đo tròng. Khi hỏi quy trình đo và cắt tròng thì người này cho biết: “Ở đây đo bằng cách lắp các tròng vào một chiếc kính thử tròng, rồi khách hàng nhìn vào bảng chữ cái để đọc, tròng nào nhìn rõ nhất thì đeo vào đi lại một lúc, nếu không chóng mặt, sẽ cắt tròng đó”. Chúng tôi thắc mắc vì sao không dùng máy để đo chính xác độ cận, viễn hay loạn thị thì người này phán: “Đo thủ công còn chuẩn hơn máy! Kinh nghiệm bao nhiêu năm rồi, mỗi ngày tụi anh đo và cắt tròng cho vài chục người, chứ đâu phải ít mà lo!”. Chúng tôi ghé một tiệm khác cũng trên tuyến đường này, có treo bảng dịch vụ thay tròng kính cận, viễn, loạn thị, đa tròng, nhưng bước vào bên trong thì thấy khó tin cậy được vì trong tiệm chủ yếu dành để bán nước giải khát.

Đừng chủ quan với sức khỏe của đôi mắt

Các điểm chuyên bán gọng kính lề đường Hồ Xuân Hương (quận 3) cũng có dịch vụ cắt kính thuốc. Trong khi chúng tôi lựa gọng thì người nhân viên này gọi một thanh niên khác cầm đồ nghề tới đo mắt bằng phương pháp thủ công và cắt tròng ngay tại đó. Sau khi đã đến đo, cắt kính thuốc tại tiệm kính Minh (đường Nguyễn Tri Phương, quận 10), chị Phạm Khánh Lam (ngụ tại quận 11) kể: “Vì không có thời gian nên tôi không đến bệnh viện chuyên khoa mắt để đo tật khúc xạ mắt, mà đến đo và cắt tròng tại tiệm mắt kính Minh theo lời một người bạn giới thiệu. Nhưng thấy cách đo mắt ở đây tôi thật sự không an tâm, họ chỉ cho tôi đeo thử kính để đọc bảng chữ cái đặt bên cánh tủ với ánh sáng khá yếu. Với cách đo và ánh sáng không đủ như vậy thì không thể nào đo đúng độ khúc xạ của mắt được. Thế nên tôi cũng phải xin nghỉ phép để tới bệnh viện mắt khám cho chắc”.

Trao đổi với chúng tôi về việc đo, cắt kính thuốc, thạc sĩ - bác sĩ Phan Phước Thái Bình, Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam, tư vấn: “Cắt tròng kính phù hợp với đôi mắt là việc rất quan trọng, không chỉ giúp người đeo kính nhìn rõ mà còn tránh chóng mặt, đau đầu, có thể học tập và làm việc hiệu quả. Không chỉ các tiệm kính mắt nhỏ lẻ trên đường phố hoặc tiệm bán kính lề đường đo tật khúc xạ bằng phương pháp thủ công, không đảm bảo chính xác mà ngay cả những tiệm mắt kính lớn có dịch vụ kính thuốc đo bằng máy điện tử cũng chưa hẳn đã cho kết quả hoàn toàn yên tâm. Bởi lẽ máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, cũng bị sai số. Còn đo thủ công thì không thể xác định được loại tật khúc xạ là cận thị, viễn thị hay loạn thị, do đó, nếu không có bác sĩ được đào tạo về khúc xạ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ thì nhiều khả năng đưa ra những kết quả không chính xác. Để có kết quả chính xác cần có 2 yếu tố, con người được đào tạo về khúc xạ và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Nếu xác định sai loại tật khúc xạ hay còn gọi là sai công suất khúc xạ hoặc độ của mắt, người đeo kính sẽ bị mỏi mắt, nhìn mờ, gây nhức đầu… Cần phải tới các cơ sở y tế chuyên về mắt để khám lại. Tuy nhiên, nếu người bệnh cố tình đeo mắt kính đó thì sau một thời gian sẽ cảm thấy bình thường, như vậy đã vô tình khiến đôi mắt khỏe thành đôi mắt có tật”.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2014/3/342270/