Dựng lại hồn phố để dựng lại người

Trong thiết kế đô thị, có một khái niệm đã trở thành cốt lõi của lĩnh vực này: kiến tạo nơi chốn hay có thể nói nôm na là tạo hồn cho phố. Cái ý nghĩa giản dị của khái niệm này là làm sao cho nơi chốn trong một đô thị trở nên đáng yêu, đáng sống và do đó đáng gắn bó.

Mong ước được sống ở một nơi đáng yêu, đáng nhớ và đáng gắn bó là một nhu cầu rất con người. Đó thực ra là mong ước được yêu và được làm một người tử tế. Bởi vì cốt cách của cư dân tạo nên tinh thần một thành phố mà do đó sống ở một thành phố có hồn làm chúng ta trở nên tử tế hơn, cuộc đời chúng ta viên mãn hơn. Chả thế mà ngài Wilson Churchill – một trong những thủ tướng kiệt xuất trong lịch sử nước Anh, đã nghiệm ra rằng: “Chúng ta dựng nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”.

Vậy điều gì làm cho một đô thị trở nên đáng yêu, đáng nhớ, đáng sống và do đó đáng gắn bó?

Người Mỹ cho chúng ta ngay một khảo sát mang lại nhiều cảm hứng và suy nghĩ cho những ai muốn hàn gắn mối quan hệ giữa con người và một vùng đất. Hãng nghiên cứu quan điểm công chúng Gallup đã phỏng vấn hơn 14.000 cư dân của 26 thành phố trên nước Mỹ để hiểu xem điều gì đã khiến họ gắn bó với thành phố của mình. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy mặc dù những lo toan thường nhật của cuộc sống như việc làm, giáo dục, y tế và an toàn là mối quan tâm chung của mọi người, nhưng những yếu tố này không quyết định sự gắn bó của con người với một thành phố. Thay vào đó, ba yếu tố khiến mọi người dừng lại ở một vùng đất và xây tổ ấm hóa ra đầy cảm xúc:sự thân thiện và khoan dung với mỗi cá nhân, đời sống tinh thần phong phú và cuối cùng, vẻ đẹp của vùng đất. Hóa ra con người yêu một vùng đất cũng như họ yêu nhau: họ yêu vì được chấp nhận, được bao dung, và vì được yêu. Họ yêu vì một cuộc sống không cô đơn và nhàm chán. À, họ không chỉ yêu bằng trái tim, họ cũng yêu bằng mắt.

Phải qua nhiều thế hệ mới hình thành phần hồn của một đô thị.ẢnhTL

Chính bởi con người yêu một vùng đất tự nhiên như họ yêu nhau, cảm nhận tinh thần của một đô thị tự nhiên như cảm nhận một tri kỷ, hồn đô thị mới trở thành ký ức tập thể chứ không phải mường tượng của riêng giới tinh hoa.

Nếu như hồn đô thị là phần tinh thần của một thành phố, làm sao để vun xới, làm sao để gây dựng, làm sao để giữ gìn?

Thành phố được tạo nên bởi những con người. Con người với tâm hồn và nhân cách như thế nào thì tạo nên hồn thành phố như thế ấy, qua cách mà cư dân sống với thành phố của mình. Đó là sự đối xử giữa người với người, đời sống tinh thần của thị dân và phong cảnh của vùng đất tạo bởi con người, gắn kết và định nghĩa mối quan hệ giữa con người với vùng đất đó. Chẳng phải sự phóng khoáng và cởi mở của con người và vô số những quán hàng dễ thương trên đất Sài Gòn, sự tĩnh lặng của thiên nhiên và sự thâm trầm của con người Đà Lạt, đời sống tinh thần của người Huế và những con phố lãng mạn của Hà Nội cũ tạo nên dấu ấn của những thành phố này trong lòng người hay sao.

Nói như vậy có nghĩa việc dựng nên phần hồn của một thành phố là một nỗ lực nhiều thế hệ, bởi vì cốt cách con người, cách ứng xử trong xã hội, chiều sâu của đời sống tinh thần, phong cảnh đô thị và cả ký ức cộng đồng cần nhiều thời gian để gây dựng. Tính cách người Sài Gòn bắt rễ từ vai trò lịch sử của vùng đất này, như là một tiền đồn ở phương Nam, một thương cảng và điểm giao thoa nhiều nền văn hóa trong quá trình Nam tiến của dân tộc Việt. Những cánh rừng thông có từ rất lâu trước khi con người xây dựng thành phố trên cao nguyên Langbiang. Và những lớp lang lịch sử làm nên cái hồn phố cổ kính và trầm lắng của Hà Nội cũ, là kết quả của hơn một nghìn năm bồi đắp. Xây trong trăm năm nhưng có thể mờ phai đi trong một ngày khi một di tích bị đập bỏ, một hàng cây bị đốn hạ, một ký ức bị lãng quên, hồn đô thị thực ra mong manh.

Bởi cái chiều dài của thời gian để tạo dựng hồn một thành phố, giữ gìn ký ức thông qua bảo tồn di sản, tất cả những công trình và thiên nhiên đã trở thành hình ảnh một đô thị, và tiếp nối truyền thống sinh hoạt có một ý nghĩa quan trọng. Những ai gắn bó với thủ đô đều đậm sâu hình ảnh hồ Gươm - tháp Rùa cũng như những người con của Huế nhớ sông Hương - chùa Thiên Mụ. Thế nhưng di sản thực sự để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc sống của thị dân và với du khách là truyền thống sinh hoạt trong những không gian bình dị như đường phố và chợ - nơi con người không chỉ mua và bán mà họ đến gần nhau hơn. Giữ lại trong thành phố những không gian sinh hoạt bình dị như thế làm cho thành phố bao dung hơn và đời sống phong phú hơn bởi ở những nơi đó, con người ở những tầng lớp khác nhau, có gốc gác khác nhau gặp gỡ.

Sự hấp dẫn của khu phố cổ Hà Nội là sự đậm đặc của đời sống đô thị và tỷ lệ nhỏ nhắn của không gian đô thị, sự mờ đi của lằn ranh giữa không gian riêng tư và không gian công cộng khiến cuộc sống hiển hiện trên đường phố đầy sống động, đầy màu sắc. Cuộc sống vỉa hè cũng là một trong những ấn tượng đậm nhất mà Sài Gòn để lại trong lòng người. Theo khảo sát của giáo sư Annette Kim từ Đại học Nam California, gần một nửa những trao đổi của du khách quốc tế từ bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau là về cuộc sống vỉa hè ở Sài Gòn. Họ yêu thích các món ăn, thưởng thức cà phê bệt, ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè như người Sài thành thứ thiệt.

Để nuôi dưỡng hồn phố, xin hãy gây dựng lòng khoan dung, xin hãy xây những đường phố nơi con người có thể đến gần nhau, xin hãy giữ những gì đã thành kỷ niệm và truyền thống sinh hoạt mà cộng đồng cùng chia sẻ.

Cũng như vỉa hè, chợ là nơi phản ánh chân thực nhất nhịp sống thường nhật của một thành phố. Lịch sử mỗi thành phố đều gắn liền với chợ: Chợ Lớn và chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế, chợ Đồng Xuân ở khu phố cổ Hà Nội... Thật kỳ diệu khi nhận ra rằng bao nhiêu phần hồn của một thành phố có thể được nuôi dưỡng trong những không gian công cộng khiêm nhường như thế! Bởi vậy mà những không gian ấy không bị mất đi khi các thành phố châu Á đã chuyển mình thành hiện đại. Tokyo hiện đại vẫn lưu giữ trong lòng những con đường làng nhỏ, ngoằn nghèo từ thời Edo, nơi những quán hàng nhỏ vẫn là điểm gặp gỡ để “trà dư, tửu hậu” của người dân khu phố. Ngay trong lòng những khu đô thị mới do chính phủ xây dựng ở Singapore vẫn là những khu wet market (chợ ướt) và các trung tâm hawker (hàng rong), phục vụ các món ăn bình dân bố trí trong một khung cảnh không xa lạ với hàng quán xôm tụ trên vỉa hè Sài Gòn hay Bangkok. Chợ ướt và những quán ăn “vỉa hè” này mang đến sinh kế cho các tiểu thương vốn không thể chen chân vào các trung tâm thương mại hiện đại. Và ngược lại, những khu thương mại bình dân này không chỉ mang đến thực phẩm giá rẻ ngay trong lòng các khu dân cư, mà còn là không gian quần tụ cho cư dân, nơi những người già gợi nhớ lại những năm tháng còn sống ở kampong (“làng” trong tiếng Mã Lai).

Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: Huỳnh Tường Giang/PLO

Cuối cùng, tinh thần một thành phố là tinh thần của những con người sống trong đó. Tinh thần của một thành phố hiển hiện khi những con người sống trong đó được nói lên tiếng nói của tâm hồn họ và được sống gần bên nhau. Hà Nội thuở niên thiếu của tôi là thành phố của những con người rất muốn gần bên nhau. Bởi vậy mà tôi thấy trong thành phố ấy những không gian rất con người: những con đường rợp bóng cây xanh, những vỉa hè ấm cúng rộng vừa người đi, những công trình khiêm nhường, hòa vào không gian chung và để tràn một chút cuộc sống trong mỗi căn nhà ra ngoài phố phường. Và trên những con đường ấy, tôi thấy mùa trôi qua khi cây đổi màu lá và rất nhiều nơi để dừng bước trên những con phố không dài lắm: một quán nước chè hay một hàng phở thơm hay một hàng thủ công mỹ nghệ. Trong cái không gian đó, cuộc sống của người Hà Nội hiện ra trên phố. Nhưng khi những khu phố mới mở ra với nhiều hơn hàng rào, ít hơn những bóng cây, nhiều những con đường quá khổ, ít hơn những con phố nhỏ với những cửa hàng nho nhỏ nơi con người đến để được gần nhau, con người vắng bóng. Họ sống cách biệt nhau. Họ sống ích kỷ hơn. Hồn của thành phố cũng nhạt phai.

Để nuôi dưỡng hồn phố, xin hãy gây dựng lòng khoan dung, xin hãy xây những đường phố nơi con người có thể đến gần nhau, xin hãy giữ những gì đã thành kỷ niệm và truyền thống sinh hoạt mà cộng đồng cùng chia sẻ. Còn giờ đây, nếu bạn muốn đi tìm trong một thành phố linh hồn của nơi đấy? Hãy nghe những lời hát về thành phố đó, xem nơi nào con người hẹn nhau để tâm tình, để hoài niệm hay khi mọi người muốn đổ ra phố để hò reo sau một trận bóng đá thì họ đi về đâu, ta sẽ tìm thấy linh hồn của thành phố ở đó.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dung-lai-hon-pho-de-dung-lai-nguoi-2016020102565415p6c96.news