Đừng làm cho hồ Gươm chật lại

Quan tâm đến dự án xây dựng khách sạn gần Hồ Gươm- kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức- Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng vì Hồ Gươm là một di tích- danh thắng đặc biệt nên mọi công trình xây dựng quanh Hồ Gươm luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Giờ đây để gìn giữ không gian văn hóa Hồ Gươm, rất cần sự chung tay của người dân Thủ đô.

KTS Ngô Doãn Đức.

PV: Thưa ông, được biết trước khi có chủ trương của TP Hà Nội cho phép xây dựng khách sạn gần Hồ Gươm, Hội KTS Việt Nam đã có văn bản góp ý về vấn đề này?

KTS Ngô Doãn Đức: Với Hồ Gươm không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà còn địa danh hội tụ các yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nên việc xây dựng các công trình xung quanh hồ từ trước đến nay luôn là tâm điểm của dư luận xã hội. Hầu hết các công trình được đề xuất xây dựng phần lớn đều không nhận được sự đồng thuận. Có thể kể đến trước đó như Bưu điện Bờ Hồ, Tòa nhà UBND TP Hà Nội, Nhà Hàm cá mập, Hà Nội Vàng… Mới đây là tòa nhà số 2 Lý Thái Tổ và rồi công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ (Tòa nhà Intimex).

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao mọi người lại không đồng thuận? Nguyên nhân là người dân mong muốn gìn giữ không gian và cảnh quan xung quanh Hồ Gươm. Bởi Hồ Gươm với cảnh quan gồm mặt nước, cây xanh rất tương thích với những ngôi nhà thấp tầng. Người Hà Nội vốn đã quen với một hình ảnh rất đẹp của Hồ Gươm đó là nếu nhìn cạnh từ bên này sang bên kia của Hồ sẽ thấy những ngôi nhà thấp thoáng sau cây. Do đó, việc xây dựng các công trình cao lớn sẽ đụng tới không gian mà Hồ Gươm đang có.

Ở đây, có hai vấn đề cần quan tâm trong việc xây dựng các công trình xung quanh Hồ Gươm đó là khối tích của công trình không được lớn, quá cao và cần phải tăng cường những khoảng đất trống. Trước đó, vào năm 2008 trong cuộc thi thiết kế qui hoạch Hồ Gươm có sự tham gia của các đơn vị trong nước và quốc tế đã dự kiến diện tích của hồ lên tới 60ha, bao gồm vùng phụ cận để bảo vệ Hồ Gươm. Tuy nhiên, kết quả từ cuộc thi đến ứng dụng vào thực tế ra sao thì mọi người đều đã biết.

Trở lại với công trình khách sạn bên Hồ Gươm, trước đó tòa nhà Intimex (2 tầng) nằm trong không gian kiến trúc người Pháp xây dựng, trên một tuyến phố rất đẹp của Thủ đô. Do vậy, giờ cứ xây dựng kiểu chất cao lên là hoàn toàn không tương thích và làm cho Hồ Gươm có cảm giác như bị chật lại.

Hồ Gươm đang dần bị bó hẹp bởi các công trình to cao, hoành tráng.

Câu chuyện xây dựng khách sạn ven Hồ Gươm nói riêng và việc xây dựng những công trình mới ven Hồ Gươm nhiều năm qua- thực chất cũng chính là thế giằng co giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Theo ông, phải giải quyết hài hòa vấn đề này như thế nào?

- Quan trọng là bây giờ chúng ta đang bảo tồn và phát triển đô thị như thế nào, sự chuẩn bị và những quyết sách đã đúng chưa? Ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động làm được nếu như có sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Tại sao phải nói cần hi sinh cho sự phát triển khi chúng ta đã tìm ra được những phương án tích cực. Tôi nói như trường hợp tòa nhà Intimex chẳng hạn, nhà nước hoàn toàn có thể điều tiết được.

Khi tòa nhà xuống cấp thì có thể sửa sang lại khang trang hơn nhưng không có nghĩa là có thể xây nó cao lên, to lên. Ở vấn đề này rất nhiều giải pháp để thực hiện, còn nếu muốn tòa nhà cao to thì có thể xây dựng ở ngoài khu vực Hồ Gươm.

Vấn nạn di sản bị phá hủy là hầu hết là do các dự án của các đơn vị tư nhân hay tổ chức cứ tiến hành theo nguyện vọng riêng của mình. Trong đó, nguyên nhân là không có sự điều tiết, quản lý tính toán hợp lý. Trước đó, câu chuyện qui hoạch Hồ Gươm đã được nghiên cứu rất kỹ qua từng giai đoạn nhưng đến nay vẫn chưa thành một chế tài để cơ quan quản lý dựa vào đó. Nhưng theo quan điểm của tôi dù làm gì thì làm, Hồ Gươm luôn cần được giải phóng rộng ra chứ không thể xây dựng các công trình rồi để bó hẹp lại.

Vậy theo ông, chúng ta cần ưu tiên những gì để bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm?

- Chúng ta phải có qui hoạch. Ví dụ, muốn bảo vệ Hồ Gươm phải có qui hoạch khống chế hết sức cụ thể. Thực tế cho thấy chúng ta đang thiếu một cơ chế kiểm soát tốt. Trong khi, Hồ Gươm có hẳn một Ban quản lý, rồi Hội đồng kiến trúc Thành phố nhưng cũng không làm gì được và vẫn để người dân phải có ý kiến.

Vẫn biết, sự phát triển của Thủ đô là một xu hướng tất yếu, nhất là khi Thủ đô mở rộng ra gấp 3 lần. Từ khâu vĩ mô chúng ta nên nhanh chóng thu hút kéo giãn khu phố cổ nói chung và Hồ Gươm nói riêng. Có lẽ để giải quyết được câu chuyện Hồ Gươm lúc này cần phải có nhiều người góp sức.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Quân - Phạm Quý (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/dung-lam-cho-ho-guom-chat-lai/112417