Đừng lạm dụng công nghệ 3D, 4D vào nghệ thuật tuồng!

Tối 30.6, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho ra mắt vở diễn mới “Dưới bóng đa huyền thoại” tại rạp Hồng Hà - 51 Đường Thành (Hà Nội). Điểm độc đáo ở vở tuồng dân gian này là các nghệ sĩ VN biểu diễn dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) - một dự án hợp tác quốc tế do Singapore International Foundation tài trợ, sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu quốc tế sắp tới tại Hàn Quốc và Canada.

Đạo diễn Chua Soo Pong. Ảnh: VIỆT VĂN

Phát triển từ kịch bản “Ngôi đền ma ám” của tác giả, đạo diễn Chua Soo Pong; dịch giả: Phạm Xuân Hồng, kịch bản tuồng: Lê Thế Song, đạo diễn: Tiến sĩ Chua Soo Pong, âm nhạc: NSƯT - nhạc sĩ Lê Trần Vinh, họa sĩ: NSND Lê Huy Quang - “Dưới bóng đa huyền thoại” mang đậm yếu tố huyền thoại. Câu chuyện về một cây đa được nhân cách hóa, có linh hồn và tình cảm riêng, sau một biến cố bị những thế lực tàn độc hoán đổi những nhân vật sống trong cây đa phục vụ tham vọng hút máu người để tăng quyền lực trở thành bá chủ thiên hạ. Một cô gái nhân hậu và một chàng trai do con chim khổng tước biến thành đã hợp lực chống lại cái ác…

“Ngôi đền ma ám” của đạo diễn Chua Soo Pong đã từng được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật, biểu diễn tại nhiều nhà hát ở nhiều nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tác phẩm được chuyển thể sang nghệ thuật tuồng. Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn đạo diễn Chua Soo Pong trong giờ giải lao của buổi dàn tập vở diễn.

Cơ duyên nào đưa ông đến với nghệ thuật tuồng VN?

- Khi tôi đến VN năm 1993 để chuẩn bị cho một số hội thảo về nghệ thuật biểu diễn của Đông Nam Á, tôi có cơ hội cộng tác với Trường ĐH Sân khấu điện ảnh HN. Ông hiệu trưởng Lê Đăng Thực đã giới thiệu tôi với NSND Lê Tiến Thọ. Sau này, ông Tiến Thọ có mời tôi đi xem tuồng. Tôi có cơ hội được xem tuồng, cải lương và chèo VN, nhưng tôi thích tuồng nhất vì lịch sử lâu đời và sự giàu có của những chi tiết trong ngôn ngữ nghệ thuật.

Tôi đã nghiên cứu về tuồng hồi còn là sinh viên ở Trường Đại học Singapore, và khi được xem trực tiếp thì tôi càng nhận thấy tuồng là một bộ môn nghệ thuật rất đặc sắc. Ngay như mặt nạ tuồng ở TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản và VN cũng có sự khác nhau. Hai năm trước, tôi được mời đi Đà Nẵng dự liên hoan tuồng, gặp nhiều đoàn khác nhau của miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Tuồng ở các miền khác nhau về âm nhạc, về nhịp trống. Ông Lê Tiến Thọ còn mời tôi về Thanh Hóa xem các nông dân, chứ không phải diễn viên chuyên nghiệp diễn. Tôi thực sự ngạc nhiên khi tuồng rất được nông dân ưa chuộng. Tuồng là nghệ thuật dành cho nhân dân. Và khi ông Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng VN - mời tôi làm việc với Nhà hát, tôi rất vui.

Vì sao ông lại chọn “Dưới bóng đa huyền thoại”?

- Tôi đã xem nhiều vở, đọc nhiều kịch bản và thảo luận với ông Tuấn nhiều lần, cuối cùng chính ông Tuấn chọn vở này. Trong vở diễn, khi Tà Mộc xuất hiện đem lại đau khổ cho nhân dân, nó đại diện cho thế lực ác xuất hiện ở làng của bạn, câu hỏi là liệu bạn có đầu hàng và chịu để Tà Mộc thống trị hoặc là bạn đứng lên chiến đấu để bảo vệ chính bạn và những người xung quanh. Thông điệp chính của vở kịch là cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt sẽ không bao giờ lợi dụng người khác để làm điều có lợi cho mình… Ý nghĩa này mang tính toàn cầu.

Ông có nhận xét gì về các diễn viên Nhà hát tuồng VN?

- Họ sở hữu nhiều kỹ năng tốt trong ngôn ngữ nghệ thuật tuồng truyền thống và họ cũng biến đổi, để thích nghi rất nhanh với phong cách đạo diễn của tôi. Các diễn viên rất kỷ luật, đúng giờ và nghiêm túc với công việc.

Khi dựng vở diễn này, ông có sự sáng tạo nào khác so với tuồng truyền thống của VN?

- Khi làm tôi đạo diễn ở Thái Lan, Hàn Quốc, TQ, tôi luôn tôn trọng những giá trị truyền thống và chuẩn mực của bộ môn nghệ thuật đó. Tuồng có những quy luật nhất định và khi sáng tạo, tôi luôn tôn trọng nó. Tôi đã thiết kế trang phục riêng cho Tà Mộc và cho các thần cây. Những trang phục này đã hỗ trợ chuyển động để làm nhân vật diễn xuất tốt hơn, sống động hơn. Trang phục thiết kế cho tầm gửi cũng sẽ làm khán giả thích thú hơn.

Các diễn viên tuồng phải chú ý đến từng chi tiết trong mọi chuyển động, khi họ giao tiếp bằng ánh mắt, chuyển động của cơ thể. Khi tôi xem đoàn tuồng ở Đà Nẵng, tôi nhận thấy các diễn viên không có nhiều chi tiết diễn. Với Nhà hát tuồng VN, tôi may mắn có nhà thiết kế trang phục và thiết kế phông nền xuất sắc (họa sĩ, NSND Lê Huy Quang).

Theo ông, có nên áp dụng công nghệ sân khấu 3D, 4D vào nghệ thuật tuồng để thu hút khán giả trẻ và làm như vậy có mất “màu” tuồng không?

- Cái đó còn tùy, nếu nhà hát của bạn có nhiều trang thiết bị để sản xuất những vở diễn hiện đại hơn, tuy nhiên công nghệ tiên tiến có thể tăng hiệu ứng vở diễn, nhưng lạm dụng sẽ quá phô diễn, làm giảm giá trị vở diễn.

Hãy để các khán giả trẻ tự trải nghiệm, cảm nhận cái hay của nghệ thuật tuồng. Hai yếu tố quan trọng nhất để tuồng hấp dẫn khán giả trẻ là câu chuyện phải hay (có nhiều chi tiết hay) và diễn xuất của các diễn viên phải tốt. Ngoài ra, tuồng phải có âm nhạc hay mới hút khán giả. Tôi đã xem và quan sát nhiều vở diễn ở Singapore, Thượng Hải (TQ), nhiều đoàn sử dụng kỹ xảo điện ảnh liên tục, nhưng câu chuyện của họ chưa thú vị và diễn xuất diễn viên chưa đủ tốt để thu hút khán giả trẻ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc cho vở diễn thành công!

VIỆT VĂN thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/dung-lam-dung-cong-nghe-3d-4d-vao-nghe-thuat-tuong-678404.bld