'Đừng làm khó các nhà khoa học'

Hiện, các tổ chức khoa học công nghệ đăng ký hoạt động sau 5 năm phải đi đăng ký lại; nếu mất giấy phép phải làm lại các thủ tục từ đầu như khi cấp mới và phải có thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng...

Những quy định này sẽ gây khó khăn, gò bó sự phát triển của các tổ chức khoa học. Đây là ý kiến của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) góp ý cho Dự thảo thông tư “Hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ” do Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) xây dựng. Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành sau 60 ngày đăng trên trang web của Bộ KHCN (tức còn khoảng 1 tháng nữa để các đơn vị, cá nhân có thể đóng góp ý kiến). Cần khoanh vùng rõ phạm vi cấm Bản mới nhất của dự thảo Thông tư gồm 7 chương, 35 điều hướng dẫn điều kiện thành lập và thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất với bản dự thảo thông tư như việc góp vốn, loại hình tổ chức… Tuy nhiên có nhiều điểm trong dự thảo chưa được giới nghiên cứu đồng thuận. Theo ông Nguyễn Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Liên hiệp KHCN tin học ứng dụng (UIA), VUSTA, dự thảo thông tư có quy định lĩnh vực đăng ký hoạt động KHCN là lĩnh vực được quy định trong quyết định thành lập hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức KHCN do cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt, phù hợp với danh mục các lĩnh vực KHCN theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức KHCN (bao gồm: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất - kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu và phát triển; dịch vụ KHCN phù hợp với lĩnh vực hoạt động). Tuy nhiên, dự thảo cần phải rõ ràng hơn, nói rõ danh mục cấm nghiên cứu lĩnh vực nào để cơ sở biết đường… tránh. Nếu không, các tổ chức KHCN sẽ liên tục “va” với pháp luật”. Sở dĩ ông Khánh đưa ra ý kiến này vì mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 97/2009, ngày 24/7 về việc ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KHCN. Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần dựa trên Quyết định này cũng sẽ có rất nhiều điểm khó khăn khi các tổ chức KHCN phải “rà” để tránh phạm vào điểm cấm. “Đây là một câu chuyện dài cần suy nghĩ vì khoa học luôn là sáng tạo. Điểm cấm cần nói rõ và cho phép là vô cùng. Vì vậy tất cả cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh làm khó cho các cơ quan nghiên cứu và “đau đầu” cơ quan chủ quản”, giáo sư Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch VUSTA nêu ý kiến. Nên cởi trói Một điểm quy định trong bản dự thảo chưa được giới khoa học đồng thuận, đó là việc quy định thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận thành lập tổ chức KHCN chỉ là năm năm. Theo bà Ngô Thị Mại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai lương thực thực phẩm an toàn, VUSTA, để một trung tâm nghiên cứu khoa học triển khai được một kết quả chưa chắc 5 năm đã hoàn thành. Hơn nữa, sẽ chẳng có đơn vị nào muốn hợp tác với một đơn vị chỉ có thời gian hoạt động trong năm năm. Đó là còn chưa kể, với cơ quan công an, cứ đúng thời hạn này là sẽ thu hồi con dấu (nếu đơn vị chưa kịp đi gia hạn). Quy định này vô hình trung gây mất thời gian và làm mất tập trung không đáng có. Trước đây quy định này đã được bỏ đi, nay lại quy định lại là bước lùi”. Đồng tình quan điểm này, bà Đỗ Thị Vân, Trưởng ban tổ chức cán bộ (VUSTA) cho biết: Cách làm này đang “hành” các nhà khoa học. Vì vậy nên bỏ quy định thời gian năm năm phải đi đăng ký lại mà chỉ nên quy định nếu hoạt động không hiệu quả có thể thu hồi giấy phép. Bà Vân cũng nêu ví dụ, một ngày có hàng trăm doanh nghiệp ra đời sao thủ tục đơn giản, trong khi đó với các nhà khoa học, những người được đánh giá là có trí tuệ, cần được “cởi trói” để sáng tạo thì lại muốn “bó” bằng các thủ tục hành chính?! Không riêng gì câu chuyện thủ tục đăng ký, mà ngay cả việc không may một đơn vị bị mất giấy chứng nhận. Tại điều 22 của dự thảo này ghi rõ: Trường hợp mất giấy chứng nhận, tổ chức KHCN phải đăng ký cấp lại sau khi đã khai báo với cơ quan công an nơi mất và thông báo ít nhất ba lần trên phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp đến, công văn của người đứng đầu đề nghị cấp lại giấy chứng nhận phải có xác nhận của cơ quan công an; giấy biên nhận của cơ quan báo, đài hoặc tờ báo đã đăng thông báo này… Nếu tuân thủ đúng theo điều này sẽ rất mất thời gian. Ngoài ra, điểm quy định tổ chức KHCN phải có trụ sở chính, đảm bảo diện tích làm việc tối thiểu của cán bộ (theo số nhân lực trong hồ sơ đăng ký) là 5 m2 mỗi người. Hầu hết các ý kiến cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các nhà khoa học đã phải tự bỏ vốn đầu tư, đất đai đắt đỏ mà yêu cầu như vậy thì khó có thể đáp ứng được. “Nếu thực sự mong muốn khoa học nước nhà phát triển, nhà nước cần có niềm tin hơn vào các nhà khoa học và tạo điều kiện để họ phát huy hết năng lực của mình. Đừng làm khó các nhà khoa học”, giáo sư Trần Văn Tuấn (VUSTA) nhấn mạnh. Bà Vân cũng đề nghị Bộ KHCN cần điều chỉnh lại trước khi thông tư được ban hành, nếu không sẽ làm nản lòng các nhà khoa học muốn phát triển thị trường KHCN.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Dung-lam-kho-cac-nha-khoa-hoc/200910/64199.datviet