Đừng làm xấu hình ảnh “lương y như từ mẫu”

(HQ Online)- Chuyện bác sỹ nhận một tập phong bì tại Bệnh viện K chưa khép lại, câu chuyện một nhân viên y tế “nấu cháo” điện thoại để bệnh nhân chờ lại nổi lên. Tuy nhiên câu chuyện sẽ không đẩy lên đỉnh điểm khi có nhiều bác sỹ đã lên tiếng mắng nhiếc người tố cào và coi dư luận là “hâm hấp” khi nêu lên những bức xúc của họ khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Ảnh minh họa. Ảnh internet.

Mới đây, một clip có nội dung miêu t ả một nữ bác sĩ ở Bệnh viện K- nơi bệnh nhân đến đây dường như đều mang án tử cận kề - nhận trong tay một xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Không phải nói, cộng đồng có tới 90% người dân Việt bức xúc về hành vi vô tư nhận phong bì của nhân viên y tế như thế nào.

Họ bức xúc, xót xa trước thái độ của nữ bác sỹ, xem đó là hành vi vô nhân đạo khi vô tư nhận tiền của những bệnh nhân không may sắp bước vào cửa tử. Mạng xã hội lên tiếng, “lãnh đạo” vào cuộc, có hội đồng kỷ luật, kết cục nữ nhân viên nhận mức kỷ luật… cảnh cáo.

Lần này, cũng từ mạng xã hội, nhà báo T. A đăng tải statut kèm bức ảnh chụp nữ nhân viên y tế tại Khoa Sản- Bệnh viện Bạch Mai đang vô tư buôn điện thoại bất chấp nhiều bệnh nhân đang chờ đợi làm thủ tục. Cũng nhân viên này, trước đó đã có thái độ xấc xược, chửi bới với người nhà bệnh nhân từ Nghệ An ra Hà Nội khám bệnh.

Theo lời nhà báo T. A, việc cô này buôn điện thoại khiến chị bức xúc một thì thái độ thiếu thân thiện của nữ nhân viên kia mới thực sự làm chị muốn lên tiếng để “sếp người đó biết họ làm việc như thế nào”.

Hơn 5 nghìn lượt chia sẻ, hơn 2 nghìn bình luận đủ để biết không ít người đứng về phía chị. Là do họ bị lôi kéo? Không hề, bởi đơn giản, họ chính là những người đã từng chứng kiến, nghe những câu chuyện, tình huống tương tự.

Tuy nhiên với cương vị là những người công tác trong ngành Y, một số y, bác sỹ không những không thừa nhận những yếu kém, bất cập của ngành lại có thái độ ứng xử thiếu sáng suốt trước thông tin của bệnh nhân và dư luận.

Cụ thể, một bác sỹ đang công tác tại một bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội đã “nhảy chồm chồm” lên, cho rằng nhà báo này đáng trách khi không là thiếu ý thức, và có những lời xúc phạm đến cư dân mạng và gọi họ là “hâm hấp”.

Vị bác sỹ này biện bạch rằng, tại sao nhà báo không gọi đến đường dây nóng của bệnh viện, sao không góp ý với nhân viên y tế kia mà lại đưa lên mạng xã hội, đẩy cô nhân viên kia tới đường cùng…

Ý của vị bác sỹ này là hãy đừng nóng vội đưa lên mạng xã hội mà phải bình tĩnh, ứng xử có trước, có sau, phải giao giảng đạo đức đã, nếu người ta không nghe mới chửi…

Tuy nhiên vị bác sỹ không hiểu hay cố tình không hiểu, khi viết status trên mạng kia, nữ nhà báo đó không đứng trên cương vị một nhà báo mà là một người bệnh. Và nói như Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, người bệnh là khách hàng của bệnh viện và khách hàng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ y tế nếu không hài lòng có quyền lên tiếng.

Và vị này cũng quên mất rằng, dư luận, hay xã hội không “hâm hấp” như lời bác sỹ này nói, bởi họ là hàng trăm, hàng ngàn người bệnh đã từng một lần đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Họ có quyền nói lên tiếng nói cá nhân của mình và những sự việc mình đã từng trải qua.

Họ cũng không vì thù ghét cá nhân mà nói xấu hay thêu dệt, dồn cô nhân viên kia vào đường cùng mà chỉ phản ánh để bản thân cô nhân viên y tế kia nói riêng và cán bộ trong ngành Y nói chung tự nhìn lại bản thân để hành xử nghiêm túc hơn.

Một bác sỹ đang công tác tại một bệnh viện lớn cần phải thông minh và sáng suốt, ứng xử với bệnh nhân và dư luận một cách có tâm và có tầm. Có oan ức hay “khóc thuê” cho nữ nhân viên đó, cũng cần đưa ra bằng chứng, giả sử biết chính xác là nữ nhân viên kia nghe điện thoại hàng giờ là vì có việc quan trọng liên quan đến sinh mệnh chứ không chỉ là chuyện “tám” với bạn bè.

Là một bác sỹ được đào tạo bài bản với sứ mệnh cứu người lẽ ra vị này cần ứng xử một cách bình tĩnh và sáng suốt chứ không nên quên mất danh xưng danh giá “lương y như từ mẫu” mà xã hội đặt để mà gào lên, chửi rủa cả người viết và dư luận, bởi anh ta cho rằng người khác sai và bản thân anh ta đúng.

Tuy nhiên càng chửi người ta lại càng buồn cười và thấy đáng thương cho vị bác sỹ bởi anh ta đã thể hiện quan điểm bảo vệ nữ nhân viên kia, cho rằng chuyện cô ta “nấu cháo” điện thoại nhiều phút liền là chuyện bình thường, còn người khác là “bất thường” khi cố tình làm quá một chuyện lẽ ra hết sức bình thường của BV Bạch Mai nói riêng và của ngành Y tế nói chung.

Được biết, tại Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân vừa tổ chức chính Bộ trưởng Y tế Kim Tiến cho hay: “Ngành Y tế đặc biệt chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các bệnh viện trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến trung ương có hành vi không đúng với người bệnh”.

Vậy thì cố gắng nêu trên vị tư lệnh ngành Y khi cố ban hành và thực hiện Đề án thay đổi thái độ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh sẽ đổ xuống sông xuống bể khi môi trường bệnh viện còn những nhân viên như vị bác sỹ này và cô nhân viên kia.

Và nhắc tới bệnh viện thay bằng thái độ tôn trọng phần lớn những bác sỹ thầm lặng đang ngày đêm chữa bệnh cứu người, người dân chỉ còn cảm giác sợ hãi và chán chường khi gặp phải những con sâu bỏ rầu nồi canh như vị bác sỹ này và cô y tá trên.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ca-gian-mat-khon.aspx