Đừng lo hàng Thái chiếm thị trường Việt

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, vấn đề không phải ở chỗ sản xuất được hay không được con ốc vít, trên thực tế Việt Nam đã sản xuất được, tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn SamSung không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu lại là câu chuyện khác.

3 năm chưa doanh nghiệp nào "với tới" vốn vay

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Việt Nam đang triển khai nhằm tiết kiệm hàng chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu các linh, phụ kiện.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành từ 3 năm trước, song thực tế đáng buồn là cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào với tới nguồn vốn ưu đãi này.

"Lý do vì chúng tôi cho rằng những ưu đãi, cơ chế, chính sách hiện có chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đủ để các doanh nghiệp quan tâm. Thứ 2 bản thân sức của các doanh nghiệp hỗ trợ còn đang yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, hay sự hỗ trợ trực tiếp từ kinh phí, họ khó mà thực hiện được các chủ trương trong khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 24.2.2011, mặc dù đã đề cập đến nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng trong thực tế việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề" - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời tối ngày 5.10.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành công thương cho rằng, vấn đề hiện nay là phải xem xét vì sao chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để sửa đổi cho phù hợp hơn. Cũng vì thế, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành địa phương rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành một Nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Bộ trưởng Hoàng đánh giá, khi Nghị định mới ban hành sẽ có tác động cao hơn Quyết định.

"Hiện nay, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi và tổ chức hội thảo với tinh thần, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ, như Chương trình quốc gia doanh nghiệp hỗ trợ, hay hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, và những cơ chế ưu đãi hơn về thuế đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ" - Bộ trưởng Hoàng nói.

Đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng sản xuất và cung cấp nổi chiếc ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ sản xuất được hay không được con ốc vít.

"Trên thực tế Việt Nam đã sản xuất được, tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn SamSung không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu lại là câu chuyện khác.

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ, ngoài các cơ chế chính sách, Nhà nước cũng cần các chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước chỉ mang tính thúc đẩy, còn quyết định có tham gia được công nghiệp hỗ trợ hay không vẫn là phải tự bản thân các doanh nghiệp" - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Đừng lo hàng Thái chiếm lĩnh thị trường Việt!

Song song với việc giải đáp những thắc mắc về ngành công nghiệp hỗ trợ, việc Tập đoàn BJC của Thái Lan vừa mua thành công chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam khiến doanh nghiệp Việt đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa về thị phần cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương đề cập đến.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, thực tế hiện nay các siêu thị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Metro, BigC là những tên tuổi lớn lại đang sử dụng phần lớn hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Cụ thể, tại Metro và BigC có đến 90% là hàng Việt.

"Đối với trường hợp doanh nghiệp của Thái nhận chuyển nhượng của Metro, tôi nghĩ rằng, nếu hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng, giá cả phải chăng, chắc chắn họ sẽ dùng hàng Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống của họ.

Rõ ràng, với việc mở cửa thị trường không chỉ các nước có cơ hội đưa hàng vào Việt Nam, ngược lại chúng ta cũng có cơ hội đưa hàng ra nước ngoài, như những mặt hàng có thể mạnh của ta như nông sản, thủy sản, dệt may, gia giầy.

Đây là tác dụng của việc mở cửa thị trường và cũng là thực hiện cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN nếu được thành lập trong 2015, đây chính là quan hệ hai chiều như vậy" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Duyên Duyên

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/tieu-diem/dung-lo-hang-thai-chiem-thi-truong-viet-108443.html