'Dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 không đáng để ồn ào'

“Hàng nghìn hợp xướng, ca khúc cách mạng thì chẳng ai nhắc đến, còn mấy ca khúc bị dừng lưu hành lại đua nhau tranh cãi”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.

Sau quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) tiếp tục yêu cầu Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại tất cả những ca khúc ra đời trước năm 1975 để xem xét.

Nhạc sĩ, Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha.

Câu chuyện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, thực tế, những bài hát đó có một đời sống nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam. Ngược lại cũng có ý kiến tranh cãi, việc để dòng nhạc bolero lên ngôi, chiếm một thời lượng đáng kể trên sóng truyền hình, cho thấy thị hiếu âm nhạc Việt Nam đang đi xuống.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, 5 ca khúc bị dừng lưu hành không đáng để ồn ào.

“Hàng trăm hợp xướng của tôi và các đồng nghiệp, hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại thì chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi. Còn 5 ca khúc kia mới bị tạm dừng lưu hành lại được đưa ra mổ xẻ, tranh cãi, bênh vực. Tôi cho rằng, thị hiếu của một bộ phận công chúng người Việt đang thực sự có vấn đề. Đó là điều rất đáng buồn. Nền âm nhạc Việt Nam có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc đã cùng với dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Chúng ta cần phải nhìn vào đó để tự hào và nhắc nhở, để tri ân trong những giải thưởng chứ không phải để dành thời gian đi tranh cãi”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.

"Con đường xưa em đi" là một trong 5 bài đang bị dừng lưu hành.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, sự bùng nổ của dòng nhạc Bolero trong mấy năm gần đây là một hiện tượng bình thường. Ông lý giải: “Đây là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Khi rơi vào trạng thái buồn chán, khán giả dễ tìm đến dòng nhạc này như một cách giãi bày, tâm sự".

"Tuy nhiên, sự bùng nổ này không làm ảnh hưởng gì đến nền âm nhạc Việt Nam, cũng không khẳng định một điều gì. Đó chỉ là một dòng chảy bình thường như bao dòng chảy khác, giống như pop, rock, dân gian,... Sự xuất hiện của chúng là lẽ tự nhiên bởi đó là những phản ánh chân thực về thời cuộc. Bởi vậy cần để chúng tồn tại”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.

Trả lời về vấn đề, liệu việc dừng lưu hành nhiều ca khúc nhạc xưa có vô tình làm khó ca sĩ? Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc này cho rằng: "5 ca khúc vừa bị tạm dừng lưu hành không có gì quá đặc biệt, cũng không phải là những ca khúc điển hình. Hơn nữa dòng nhạc Bolero có hàng nghìn bài, ca sĩ không hát bài này thì sẽ hát bài khác".

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho hay, việc xem xét các ca khúc thuộc dòng nhạc này cũng cần có sự nghiên cứu cẩn thận, linh hoạt. Không phải bài hát nào có chữ "người lính" cũng đáng bỏ đi hay cấm lưu hành như ý kiến gần đây của một nhạc sĩ. Phải phân tích xem người lính đó đang trong hoàn cảnh nào?

Ông viện dẫn câu chuyện về việc từng được Cục NTBD mời thẩm định những ca khúc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Một số ca khúc của ông ấy bị cấm lưu hành vì có chữ "người lính" trong đó. Nhưng theo tôi, tâm trạng ấy không phải là sự bi lụy mà là sự đón đợi, lạc quan về hòa bình. Vậy tại sao phải cấm? Sau đợt đó, Cục NTBD đã cấp phép lưu hành cho 8 ca khúc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bây giờ, Cục NTBD tiếp tục thực hiện công tác rà soát các ca khúc nhạc xưa, theo tôi là điều hoàn toàn dễ hiểu và nên làm như thế”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ./.

Đào Bích/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa/am-nhac/dung-luu-hanh-5-ca-khuc-truoc-nam-1975-khong-dang-de-on-ao-603849.vov