Đừng 'mất Tết' vì những thú vui này

Nhiều người dịp tết thường tìm đến những thú vui như tá lả, xóc đĩa, chọi gà, thế nhưng đây để là những hành vi có thể bị xử lý hình sự nếu cá cược ăn thua bằng tiền.

Năm hết, Tết đến là dịp người thân bạn bè gặp gỡ, vui chơi cùng nhau. Bên cạnh những hoạt động vui chơi lành mạnh nhiều người tụ tập cùng người thân, bạn bè đánh tá lả, tú lơ khơ, đánh bài tam cúc ăn tiền…

Dù mục đích chính của người chơi là vui vẻ, không mang tính sát phạt, mỗi ván bài người thắng có thể chỉ được 10-15 nghìn đồng nhưng đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Rút đũa đếm khấc, rút tiêu ăn giải, tung đồng xu, đập bóng bay… là những trò chơi du khách dễ dàng bắt gặp vào dịp Tết Nguyên đán hay điểm tổ chức lễ hội đầu xuân năm mới.

Du khách có thể thấy nhà tổ chức trao thưởng giá trị hàng triệu đồng cho người chơi. Tuy nhiên, việc trao thưởng này là thật hay chỉ là màn lừa đảo câu khách của nhà tổ chức thì không ai kiểm chứng. Càng chơi càng mê, nhiều người đã “cháy túi”, thậm chí mang nợ vào thân vì cầm cố tư trang để lấy tiền tiếp tục trò chơi may rủi.

Xóc đĩa là trò chơi có từ lâu đời, khá phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt là vào dịp Lễ, Tết. Tuy nhiên, ngày nay xóc đĩa được một số con bạc sử dụng để sát phạt nhau. Một số đối tượng còn lợi trò chơi này để lừa đảo lấy tiền người chơi.

Năm 2013, Công an Hà Nội từng phát hiện nhóm đối tượng mua chíp điện tử gắn vào bát sứ rồi kết nối với điện thoại di động tạo thành bộ đồ nghề chơi xóc đĩa "bịp" khiến con bạc thua “cháy” túi sau mỗi lần sát phạt.

Chọi gà không chỉ là một trò chơi dân gian trong ngày hội, mà còn là một thú vui chơi thông thường của nhiều người ở đô thị cũng như nông thôn. Chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng trong các hội làng.

Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng trò chơi dân gian để cá cược ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật. Hành vi trên có thể cấu thành tội đánh bạc, người tham gia đá gà ăn tiền có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

Không ít người hiện vẫn quan niệm, Tết phải có tiếng pháo mới vui vì vậy đã tìm mua pháo để đốt vào thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, đây là hành động phạm pháp.

Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”. Người đốt pháo có thể bị xử phạt hành chính, thậm trí truy tố về tội “Gây rối trật tự nơi công cộng”.

>>> Đọc thêm: Về làng Vũ Đại xem người dân trắng đêm canh niêu cá kho đón Tết

Video: Đánh bóng lư đồng tết kiếm tiền triệu mỗi ngày

Ngọc Hà (tổng hợp)

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/dung-mat-tet-vi-nhung-thu-vui-nay-d299087.html