Đừng nên ở sạch quá, nhà cửa phải bẩn một chút mới tốt

Nhiều người lau dọn nhà cửa suốt ngày đến mức sàn nhà cũng soi gương được. Bạn có biết thói quen này rất hại cho sức khỏe của bạn và môi trường sống không?

Hầu hết chúng ta đều thích một ngôi nhà sạch sẽ và gọn gàng. Tuy nhên, đôi khi việc dọn dẹp nhà cửa trở thành một nỗi ám ảnh gây hại cho sức khỏe. Chưa kể các sản phẩm tẩy rửa bạn dùng hàng ngày rất độc hại.

Khi việc dọn dẹp nhà cửa trở thành nỗi ám ảnh

Chuyện kể rằng có một người phụ nữ Đức đã chia tay chồng sau 15 năm chung sống vì không thể chịu được việc anh này liên tục lau dọn, cọ rửa. Chị cực kỳ khó chịu khi thấy chồng không ngừng dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Đỉnh điểm nhất là vào một ngày, anh ta đã phá đổ bức tường của nhà mình vì thấy nó quá bẩn. Giọt nước tràn ly này khiến bà vợ lập tức đưa đơn lên tòa.

Thực tế ở Việt Nam cũng không thiếu những trường hợp đường ai nấy đi vì đối phương quá kĩ tính. Cái gì mà dư thừa cũng thành không tốt. Đối với chuyện lau dọn nhà cửa, nhiều người đôi khi trở nên quá cực đoan. Khi một người cứ liên tục cảm thấy bứt rứt khi sàn nhà có một cọng tóc rụng hay đồ đạc không được sắp xếp đúng vị trí thì có thể họ đang mắc chứng rối loạn ám cảnh cưỡng chế (OCD). Theo các chuyên gia, đặc điểm của người mắc bệnh ODC như sau:

Nhiều người nghiện lau dọn tới mức không nghĩ đến chuyện gì khác.

- Dành hàng giờ lau dọn nhà tắm, nhà vệ sinh.

- Sắp xếp đồ đạc với một sự chính xác tuyệt đối.

- Lau dọn nhà bếp bất cứ khi nào có ai vừa làm gì trong bếp.

- Thường xách theo một cái giẻ lau.

- Không thể ngủ nếu một đồ vật nào đó không nằm đúng vị trí.

Nếu bạn dành nguyên ngày thứ Bảy để dọn dẹp thì không vấn đề gì, nhưng nếu bạn bỏ mặc mọi người xung quanh chỉ để dọn dẹp, hoặc ra khỏi giường nửa đêm chỉ để dọn dẹp thì đúng là bạn đã mắc bệnh rồi đấy.

Nếu việc lau dọn nhà cửa chiếm hết thời gian trong ngày của bạn thì đã đến lúc phải đi khám bác sĩ rồi.

Dùng quá nhiều sản phẩm tẩy rửa

Khi nghe đến cụm từ "ô nhiễm", bạn lập tức nghĩ tới rác rưởi và khói bụi. Nhưng thực tế thì ô nhiễm cũng tồn tại trong nhà nếu bạn có thói quen lau dọn luôn tay.

Trung bình một ngôi nhà thường chứa 3-5 lít độc tố tồn tại dưới dạng nước tẩy rửa và phân bón. Các loại bột giặt, nước rửa bát, nước lau sàn, nước tẩy bồn cầu có thể gây ra những tác hại như:

- Bệnh đường hô hấp

- Rối loạn nội tiết tố

Một số nghiên cứu cho thấy, các chất tẩy rửa làm ô nhiễm không khí trong nhà nhiều gấp 5 lần lượng khí bụi ngoài đường. Không thiếu trường hợp bị mẩn ngứa, buồn nôn, thậm chí bỏng chỉ vì những sản phẩm khử trùng này. Khi tiếp xúc tới da hoặc phổi, các chất tẩy rửa có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc. Nguy hiểm nhất có thể kể đến là bột giặt vì chúng ta thường xuyên hít thở mùi hóa chất từ quần áo. Còn nước rửa bát lại chứa dioxane, một chất làm ô nhiễm nguồn nước. Nó rất độc và không phân hủy sinh học như các hợp chất khác.

Các loại nước tẩy nhìn chung khá nguy hiểm vì chúng sẽ dần dần tàn phá hệ miễn dịch của bạn. Sau một thời gian, cơ thể sẽ không phân biệt được đâu là vi khuẩn tốt và đâu là vi khuẩn xấu. Chúng còn làm giảm lượng oxy trong máu và đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em dưới 12 tuổi. Trong một ngôi nhà được lau dọn quá thường xuyên với đủ thứ hóa chất, bé có thể bị viêm xoang, viêm phổi và viêm phế quản. Bên cạnh đó, nước tẩy rất độc hại với nguồn đất, nước và không khí. Một ngày nào đó môi trường sống của chúng ta sẽ "lãnh đủ".

Vì thế, khi lau dọn nhà cửa hàng ngày, bạn nên rửa bằng nước thường không pha thuốc tẩy. Có người thì rửa bát bằng nước sôi cũng rất sạch. Hiện nay trên thị trường cũng không thiếu những sản phẩm tẩy rửa hữu cơ (organic) mà bạn có thể tham khảo.

Chúc các bạn sống khỏe.

Theo Gia Bình/Thethaovanhoa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/dung-nen-o-sach-qua-nha-cua-phai-ban-mot-chut-moi-tot-177245/