Đừng ngộ nhận với trẻ tăng động

Trẻ tăng động, giảm tập trung chú ý nếu không được điều trị sớm rất dễ gây rối loạn tập trung, không chú ý, ảnh hưởng đến học tập. Thậm chí căn bệnh này dễ đưa các em trở thành tội phạm nguy hiểm.

Nếu nói với phụ huynh về căn bệnh tăng động, sẽ có một vài người gật đầu tỏ ý am hiểu. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng người không biết gì về căn bệnh này chắc hẳn sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần. Thậm chí với những người có con bị tăng động, giảm chú ý chưa chắc họ đã biết con mình đang có bệnh mà lại đang tự hào vì trẻ nhà mình lại lanh lợi và hiếu động đến thế.

“Con nó bị động kinh”

Thực tế này đang diễn ra ngay cả đối với những người mẹ có con bị tăng động, giảm chú ý đang được điều trị tại các bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM.

Khác hẳn với không khí mệt mỏi, tiều tụy vì bệnh tật của các bệnh nhi ở các khoa, phòng khác, tại khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 1, ánh mắt bất lực, mệt mỏi dồn hết vào những người cha, người mẹ khi nhìn thấy con mình liên tục chạy nhảy, hoạt động không ngừng nghỉ dù đang là bệnh nhân điều trị tại BV.

“Cháu được chẩn đoán rối loạn tăng động từ khi tám tuổi, lúc bước vào môn thi thứ ba năm lớp 2. Trước đó con trai tôi rất lanh lợi, luôn là học sinh giỏi của lớp, cháu hay đặt ra nhiều câu hỏi rất thông minh với mọi người. Kể từ khi vào lớp 2, cách đây gần tám tháng, cháu thường xuyên không tập trung học hành, hay chạy nhảy và cứ như được gắn động cơ, cháu nó liên tục hoạt động, buổi tối ngủ cũng ít hơn trước. Ban đầu khi cháu xuất hiện co giật mà gia đình không rõ nguyên nhân, hàng xóm nhìn vào cứ kêu con tôi bị động kinh, bị tâm thần rồi. Vợ chồng khi ấy lo lắm, sợ cháu bị điên, đưa cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tăng động kèm thêm động kinh nên cần được điều trị nội trú. Vậy là gia đình ở lại BV hơn ba tháng rồi” - chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (35 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.

Bệnh nhi khám rối loạn tăng động tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Vì gia đình đã có người từng bị rối loạn tăng động trước đó nên gia đình chị Bích Ngọc không có cảm giác sốc như nhiều người mẹ khác. Tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, khi được hỏi về căn bệnh của con mình, chị Hồ Thị Bích Trâm vẫn còn ngần ngại, ánh mắt đầy lo lắng.

“Tôi đã rất lo lắng khi thấy con bé im lặng, ngồi mãi trong phòng. Cô giáo nói con tôi lười trò chuyện với bạn bè ở lớp hơn trước, lười ăn uống và xa lánh các mối quan hệ mà nó đang có. Ở nhà bé cũng thẫn thờ, hoang mang như mất hồn. Ban đầu tôi nghĩ do cháu buồn chuyện gì, sau lại sợ bị ma quỷ ám. Đưa cháu đi khám, bác sĩ nói cháu bị tăng động, giảm chú ý, nhà tôi sốc lắm. Nhà có hai mẹ con tựa nhau mà sống, đùng một cái cháu nó giống như bị thần kinh, kèm thêm chứng tự kỷ như kẻ mất hồn. Tôi đau lòng lắm!” - chị Trâm tâm sự.

Trai, gái biểu hiện khác nhau

Tại khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 2, hơn 100 trường hợp điều trị nội trú là hơn 100 câu chuyện ngỡ ngàng, bàng hoàng từ các bậc phụ huynh. Vì đa số họ, rối loạn tăng động còn khá mới mẻ và để tự mình đoán ra quả là rất khó khăn.

TS-BS Lê Thị Khánh Vân, Phó khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 2, cho hay số lượng trẻ mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý đang có xu hướng tăng so với trước. Khác với các trẻ được cho về nhà tự điều trị, các trẻ nằm lại điều trị nội trú đều là những trường hợp nặng, có kèm theo các bệnh khác như tự kỷ, động kinh…, các trẻ này phải được trị liệu hành vi phối hợp với dùng thuốc mới dễ khắc phục.

Theo BS Khánh Vân, rối loạn tăng động, giảm chú ý thường không xác định được nguyên nhân chính xác. Do đó, biểu hiện và triệu chứng cũng cần quan tâm kỹ lưỡng mới phát hiện ra. Khi thấy con trẻ có các biểu hiện như chạy lăng xăng suốt ngày và không thể tập trung vào bất cứ một việc làm nào đòi hỏi có sự tập trung dù thấp hay cao. Trẻ di chuyển chú ý của mình liên tục từ chỗ này sang chỗ khác, đặc biệt là biểu hiện ở đôi mắt; chậm phát triển ngôn ngữ; dễ nổi nóng; khó giao kết với bạn bè; rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu… Nếu tình trạng kéo dài trong sáu tháng liền thì nên đưa trẻ đi khám ngay.

“Một điều đặc biệt lưu ý là trẻ nam và trẻ nữ có biểu hiện khác nhau. Đối với trẻ nam, khi mắc chứng rối loạn tăng động trẻ thường nói liên tục, hay chạy nhảy, dễ nổi nóng. Còn đối với trẻ nữ thì ngược lại, các bé gái hay rơi vào trạng thái mơ màng, thiếu tập trung, ít nói… thì cha mẹ cần đặc biệt quan tâm” - BS Vân nói.

Cũng theo BS Vân, nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới, ngoài các nguyên nhân do tổn thương di truyền, cấu trúc, điều đáng lo ngại hiện nay là các trẻ rối loạn tăng động có nguyên nhân từ chính các mối quan hệ gia đình và nhà trường. Nhất là những xung đột, căng thẳng quá mức trong gia đình, căng thẳng trong các vấn đề xã hội hay học tập. Một số báo cáo lẻ cho thấy tác động từ thực phẩm, từ thuốc, thức ăn nhưng vẫn chưa có kết luận chính xác.

Theo tìm hiểu của PV, hiện các BV chưa có những chương trình cụ thể để tuyên truyền về chứng rối loạn tăng động. Vì vậy, theo lời khuyên của các bác sĩ, phụ huynh nên chú ý và nắm rõ những biểu hiện bệnh được thông báo trên trang web của BV và các kênh thông tin tuyên truyền để có thể nhận ra biểu hiện khác thường của con. Đồng thời đưa con đến khám tại các BV gần đó.

“Những gia đình chuẩn bị có con hoặc chưa có con khỏe mạnh nên phòng ngừa bằng cách đảm bảo an toàn sinh nở, phòng chống bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc, uống rượu khi mang thai, không cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, thiết bị điện tử khi còn quá nhỏ. Bên cạnh đó cần tuyên truyền bệnh rộng rãi hơn, tránh để phụ huynh mơ hồ, chủ quan với bệnh, vô tình sẽ gây nguy hiểm cho trẻ” - TS-BS Lê Thị Khánh Vân khuyến cáo.

________________________________

Thống kê mang tính địa phương ở một số tỉnh/thành cho thấy có khoảng 6,7% trẻ em hiện nay bị hội chứng rối loạn tăng động. Đây là số lượng rất nhiều. Nếu diễn tiến này không được quan tâm, điều trị đúng mức, ngoài việc trẻ giảm tập trung, ảnh hưởng đến học tập, xã hội thì trẻ có thể tấn công người khác và có hành vi phạm tội.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/dung-ngo-nhan-voi-tre-tang-dong-716040.html