'Đứng ngồi không yên' chờ công bố cá an toàn

Hơn 4 tháng biển nhiễm độc, tâm lý người dân vẫn ngại ăn hải sản nên nhiều doanh nghiệp còn tồn kho. Đây là tình trạng chung ở một số tỉnh miền Trung trong lúc các cơ quan chức năng sắp công bố cá ăn được chưa.

>> Bồi thường vụ Formosa: Không phải nhanh hay chậm, mà phải đúng

Bà Nguyễn Thị Nhơn, chủ HTX Thiên Phú (xã Thạch Kim, Thạch Hà) cho biết, hiện trong các kho tồn 250 tấn các loại.

Trước đây, mỗi ngày HTX trên 10 tấn cá. Từ ngày người dân quay mặt với cá biển, lượng cá bán ra chỉ còn vài chục kg/ngày.

Lượng cá tồn kho chất cao như núi tại một hộ kinh doanh hải sản ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh

Bà Nhơn nhẩm tính, với hơn 250 tấn cá đang được bảo quản, mỗi tháng tiêu tốn hơn 80 triệu tiền điện, hàng chục triệu trả lương cho công nhân và 56 triệu đồng trả lãi ngân hàng.

“Chúng tôi đang ngồi trên đống lửa. Nếu đem ra tiêu hủy thì mất sạch tài sản nhưng cứ để trong kho thì phát sinh chi phí quá lớn không có cách nào trả nợ”, bà Nhơn nói.

Hiện tại trong kho của HTX Thiên Phú còn tồn 250 tấn cá các loại

Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Hiền - chủ cơ sở đông lạnh Thanh Hiền cũng lâm vào cảnh điêu đứng khi 87 tấn hải sản có giá trị gần 4 tỷ đồng, do bà đứng ra vay tiền ngân hàng và người thân thu mua từ đầu năm.

Toàn bộ hải sản trên đều được các cơ quan chức năng chứng nhận thực phẩm an toàn, tuy nhiên, người tiêu dùng chưa an tâm nên không thể tiêu thụ được.

“Gần trăm tấn hải sản nằm trong kho suốt mấy tháng nay, tiền điện để vận hành, chi phí nhân công, lãi ngân hàng mỗi tháng đến gần 100 triệu đồng. Nhiều tháng nay tôi đành khất nợ ngân hàng và điện lực vì không có tiền trả”, bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, tổng lượng cá tồn kho toàn tỉnh lên đến khoảng 1.600 tấn. Hà Tĩnh vẫn đang chờ các bộ ngành trung ương chỉ đạo để có hướng giải quyết.

Chờ công bố cá ăn được chưa

Tại Quảng Bình có khoảng 2.000 tấn cá bị tồn đọng, tương đương 100 tỷ đồng. Các loại cá còn tồn đọng chủ yếu là ngừ, thu, bạc má, nục… Theo một số doanh nghiệp, nếu giỏi xoay xở, họ chỉ có thể bán được một nửa lượng cá trên.

Ông Nguyễn Văn Chung, Phó giám đốc công ty TNHH TMDV Chung Thảo cho hay: Tỉnh kêu gọi chúng tôi thu mua cá biển giúp ngư dân với nhiều ưu đãi. Trong kho đông lạnh của chúng tôi còn tồn đọng khoảng 300 tấn.

“Cá đã chất đầy cả 2 kho nên công ty phải chuyển gần 100 tấn cá ra gửi kho của một doanh nghiệp ở Cửa Lò (Nghệ An). Phí thuê kho là 1 ngàn đồng/kg, tương đương khoảng 100 triệu đồng/tháng”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Văn Chung cho biết lượng cá tồn kho quá nhiều khiến doanh nghiệp của ông phải thuê địa điểm cất giữ.

Trong khi đó, ông Bùi Thức Quang, Giám đốc công ty TNHH DVTM Thanh Quang, có trụ sở đóng tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Mặc dù những mẫu cá đông lạnh trong kho của chúng tôi đã được xác nhận đạt yêu cầu an toàn thực phẩm nhưng vẫn chưa thể nào tiêu thụ được. Hiện tại còn tồn đọng 47 tấn, trị giá khoảng gần 11 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên hỗ trợ các đại lý thu mua cá 20% với số tiền hỗ trợ tương đương gần 26 tỉ để giúp họ bù phần chênh lệch so với thị trường. Tỉnh cũng đề nghị Chi cục Quản lý nông lâm sản & thủy sản chứng nhận cá đánh bắt xa bờ để họ tiêu thụ.

Tuy nhiên, tâm lý người dân vẫn ngại ăn hải sản nên nhiều doanh nghiệp còn tồn kho, đây là tình trạng chung, không chỉ Quảng Bình mà các tỉnh khác cũng vậy.

“Chúng tôi đang thống kê thiệt hại để đền bù cho ngư dân và những doanh nghiệp còn cá tồn đọng đợt vừa qua khi có tiền đền bù của Formosa. Tỉnh đã làm hết sức mình để hỗ trợ, giờ chỉ mong các bộ sớm có kết luận và công bố cá đã ăn được chưa mới có thể gỡ khó cho cả ngư dân và doanh nghiệp”, ông Hoài cho biết thêm.

26 tiểu thương tại Lộc Hà, Hà Tĩnh đã gửi đơn cầu cứu ra Chính phủ. Các hộ dân đề nghị tỉnh sớm kiểm tra thực tế, thống kê thiệt hại và lập danh sách các cơ sở đông lạnh, nuôi trồng thủy hải sản đưa vào đối tượng đền bù, hỗ trợ thiệt hại để người dân sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngày 24/8, Ban tiếp dân TƯ đã chuyển đơn thư của các hộ dân đến tỉnh Hà Tĩnh giải quyết và sớm báo cáo kết quả về Ban để làm căn cứ báo cáo với Chính phủ.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong tháng 9 sẽ phân bổ tiền bồi thường của Formosa đến tận tay người dân các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng ô nhiễm biển.

Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, về hơn 3.900 tấn cá trong kho lạnh 4 ở tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Các địa phương phải phân lô các kho cá, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu tất cả các lô, chuyển về 2 phòng xét nghiệm trung ương của Bộ, chỉ cho lưu hành lô nào được xác nhận là an toàn. Không an toàn thì phải tiêu hủy và đền bù theo quy định".

Lê Minh - Hải Sâm

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/324123/dung-ngoi-khong-yen-cho-cong-bo-ca-an-toan.html