Đừng quá khắt khe với ngân hàng nhỏ

Có vẻ như những vụ đổ vỡ tín dụng đen vừa qua tại Hà Nội như giọt nước làm tràn ly, khiến niềm tin của người gửi tiền đối với ngân hàng bị giảm sút. Những ngân hàng nhỏ (tạm phân loại là các ngân hàng có vốn điều lệ xung quanh mức 3.000 tỉ đồng) bị ảnh hưởng nặng hơn, cùng với tác động từ quy định hạ lãi suất tiền gửi xuống mức trần 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước.

Theo nguồn tin riêng của NCĐT, ngay sau đợt hạ lãi suất, tại không ít ngân hàng nhỏ đã xảy ra tình trạng khách hàng ồ ạt rút tiền. Và họ có xu hướng chuyển sang gửi tại các ngân hàng lớn. Một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội bị rút khoảng gần 500 tỉ đồng (gồm tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi không kỳ hạn) chỉ trong vòng 1 tuần sau quy định trên. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần khác (đề nghị không nêu tên) cũng tiết lộ, lượng tiền gửi tại ngân hàng này cũng bị rút xấp xỉ 900 tỉ đồng trong vòng 3 tuần.

Lý giải vấn đề này, ông Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), cho rằng khi cuộc đua lãi suất cao không còn, tâm lý người gửi tiền đều muốn chọn những ngân hàng thương mại nhà nước hoặc thương mại cổ phần lớn để gửi tiền cho an toàn, nhất là khi xảy ra những vụ vỡ nợ tín dụng đen gần đây.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, “ngân hàng nhỏ không đồng nghĩa với yếu. Một ngân hàng yếu khi họ thiếu tính thanh khoản, chất lượng tín dụng thấp và vốn điều lệ không đủ đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Sức khỏe của một ngân hàng được đánh giá bằng nhiều chỉ tiêu như ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản), CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu). Trên thực tế, một số ngân hàng nhỏ vẫn đảm bảo được những chỉ tiêu này. Ví dụ, CAR của TienPhong Bank ở mức 18-19%, so với quy định 9% theo Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đức cho rằng có nhiều ngân hàng nhỏ vẫn hoạt động tốt vì họ biết đi vào những thị trường ngách, cung cấp các dịch vụ mà ngân hàng lớn không làm hoặc không muốn làm như cho vay hộ kinh doanh nhỏ và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Một lợi thế khác của nhóm ngân hàng nhỏ là tính linh hoạt, năng động và dễ dàng thích ứng với biến động của thị trường.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, không ít ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn như mạng lưới nhỏ, khó tiếp cận được đông đảo người dân, thương hiệu còn mới và sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường ngân hàng. Vì thế, đối với các ngân hàng nhỏ kém hiệu quả, xét về các chỉ tiêu như tính thanh khoản thấp, chất lượng tài sản yếu, hệ số CAR thấp và năng lực quản trị rủi ro kém thì bắt buộc phải tiến hành tái cấu trúc.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc tái cấu trúc cần hướng đến những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu vượt quá 5%. Đối với nhóm này, dù là ngân hàng lớn hay nhỏ cũng buộc phải tái cấu trúc tài chính và quản trị rủi ro. Còn bà Mùi thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra lộ trình tái cấu trúc phù hợp, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chẳng hạn tiêu chí như thế nào thì được thành lập ngân hàng.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=10786