Đừng thiếu… tình người!

Một công ty may ở Thanh Hóa đã quyết định bỏ quy định thiếu tình người: Công nhân “gia đình có người chết phải báo trước 3 ngày”.

Trước đó, hàng nghìn công nhân ở Thanh Hoá đang ngưng việc vì cho rằng công ty có nhiều quy định “thiếu tình người”. Do công ty này đã ra những quy định vô lý: Mỗi tháng được nghỉ một ngày phép; trường hợp nhà có người chết, tai nạn, ốm đau phải báo trước ba ngày mới được tính là nghỉ có lý do... Trong khi đó, chuyện ốm đau, người thân mất là việc không thể biết trước được.

Sau nhiều ngày bị công nhân đình công, dư luận kịch liệt phản ứng phía công ty may nói trên đã cam kết đảm bảo nhiều quyền lợi cho họ và bãi bỏ các quy định vô lý, 6.000 công nhân đã đi làm trở lại. Sự việc diễn ra thật đáng tiếc, quy định đưa ra không chỉ không thực hiện được mà còn để lại dư âm quá nặng nề. Hình ảnh của công ty cũng không còn được nguyên vẹn. Cái mất quá nhiều cho một quyết định thiếu tình người: nhà máy ngưng hoạt động dài ngày vì công nhân biểu tình, lãnh đạo mất hình ảnh trong mắt công nhân, dư âm xấu trong dư luận kéo dài và khó rửa…

Sự việc khiến nhiều người liên tưởng tới vụ việc đã diễn ra tại phường Văn Miếu, Hà Nội trước đây, người dân cảm thấy bị tổn thương khi đi xin giấy chứng tử. Thì trường hợp của nhà máy may này cũng vậy, công nhân cũng sẽ không thể nào quên khi từng bị công ty làm tổn thương khi từng đưa ra những quyết định thiếu tình người.

Dù biết, công ty đã sửa sai nhưng nhiều người vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi, khiến người có vai trò cần phải suy nghĩ: Vai trò của công đoàn đi đâu mà để những quy định bất công với người lao động xuất hiện như vậy? Với những người có vai trò, trước khi ra quy định hãy có tự hỏi chính mình xem đã thấy hợp lý chưa? Hay sự việc ngày hôm nay không thể nào quên nên doanh nghiệp hãy nhớ nếu chẳng may bị phá sản hãy thông báo trước 3 năm để công nhân lo lấy lương, bảo hiểm xã hội... và kiếm việc khác để làm.

Để doanh nghiệp có lãi và phát triển thì phải nâng cao công tác quản lý, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, không nên cắt xén chế độ của người lao động một cách hạ sách. Đây cũng là bài học đắt giá cho những công ty còn chưa tôn trọng, chưa cư xử đúng mực với người lao động.

Quy định vô lý được bãi bỏ từ thắng lợi của tình đoàn kết, của lẽ phải. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những công ty vắt kiệt sức người lao động, đề ra những quy định nội bộ nhằm khống chế, tước đoạt quyền lợi của công nhân. Công nhân sợ bị đuổi việc nên không dám lên tiếng. Mong rằng những quy định thiếu tình người kiểu này sẽ sớm được loại bỏ.

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/dung-thieu-tinh-nguoi-20170912101643743.htm