Đừng thờ ơ rồi hối tiếc!

58 vụ cháy xảy ra chỉ trong tháng 7 là con số thật đáng lo ngại. Tức là trên địa bàn TP Hà Nội ngày nào cũng xảy ra bình quân 2 vụ hỏa hoạn, có những vụ nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của cả một gia đình...

Đáng chú ý, cháy nổ tập trung chủ yếu ở khu vực nhà dân, nhà liền kề, với tỷ lệ thống kê lên tới 42,9%. Ðặc biệt lo ngại là nguy cơ cháy nổ tại các nhà dân có kết hợp với kinh doanh.

Có thể nói, mất an toàn cháy nổ là vấn đề không mới. Nguy cơ "bà hỏa" hỏi thăm luôn hiện hữu trong cuộc sống và ngày càng có chiều hướng phức tạp. Do đó, nếu không có những giải pháp kiên quyết thì thực trạng này sẽ khó được cải thiện.

Để xảy ra hỏa hoạn, tất nhiên trách nhiệm đầu tiên là của chủ hộ. Song thực tế cũng cho thấy, sự lỏng lẻo về trách nhiệm của các cấp, ngành trong phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và quản lý an toàn cháy, nổ. Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình chịu trách nhiệm tổ chức và thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy.

Thế nhưng, trong khi thời gian qua nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về tài sản, làm chết nhiều người, song lại có rất ít trường hợp bị quy trách nhiệm về quản lý an toàn cháy nổ. Trừ những vụ đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, còn lại người dân ít được nghe thông tin về xử lý trách nhiệm với đa số các vụ cháy khác.

Tại TP Hà Nội, thời gian gần đây các cấp, các ngành thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng cháy tại các tòa nhà chung cư. Hàng loạt các biện pháp mạnh được áp dụng với những đơn vị chưa tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy. Thế nhưng, dường như đối với khu vực địa bàn dân cư vẫn chưa được quan tâm và còn thiếu những giải pháp tích cực?

Phải thấy rằng, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong tăng cường hệ thống giám sát, xử lý nghiêm sai phạm về thực hiện quy định an toàn phòng cháy, vai trò của các sở, ngành liên quan và địa phương trong việc quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý địa bàn... cũng đặc biệt quan trọng.

Tại cuộc làm việc với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội giữa tháng 7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Nếu người dân chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình về phòng cháy, chữa cháy thì trách nhiệm vẫn thuộc về chúng ta. Nếu cách tuyên truyền này chưa tốt, phải tìm cách khác cho hiệu quả hơn".

Rõ ràng, nếu các cơ quan chức năng, các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì thực trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới theo Chỉ thị 47-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cụ thể như, trong quy hoạch phát triển đô thị, các khu dân cư tập trung cần quan tâm đến các điều kiện cần thiết về an toàn phòng cháy; hay như đối với các trường hợp nhà ở sử dụng để kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và thoát nạn thì mới được xem xét cấp giấy phép hoạt động...

Chính quyền địa phương (cấp xã, phường) thông qua công tác quản lý hành chính phải gắn với quản lý phòng cháy theo phân cấp. Đặc biệt phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đẩy mạnh phát triển sâu rộng khu dân cư an toàn phòng cháy...

Phải khẳng định, tính mạng con người là trên hết. Những tai nạn thương tâm do hỏa hoạn sẽ giảm, thậm chí có thể được ngăn chặn nếu các nguyên tắc an toàn về phòng cháy, chữa cháy được bảo đảm. Vì thế, đừng thờ ơ hay vì một chút bất cẩn mà gây ra thiệt hại lớn, khi đó mọi hối tiếc đều sẽ quá muộn...!

Tuấn Kiệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/877795/dung-tho-o-roi-hoi-tiec