Dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT: Cần đánh giá phản ứng của người dân

Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá sâu sắc tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một vụ gần đây như vụ bắt giữ người ở xã Đông Tâm; việc sử dụng tiền lẻ trả phí đường bộ ở một số trạm thu phí gây ùn tắc giao thông đang lan rộng…

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Chiều 15/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Vụ Đồng Tâm: Trả lời rõ bắt người có đúng không?

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đánh giá của Chính phủ cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt.

“Tuy nhiên, cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm qua, nhất là tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh tại trụ sở cơ quan Nhà nước ở Trung ương; việc phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một số vụ việc gần đây như vụ việc bắt giữ người ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, việc sử dụng tiền lẻ trả phí đường bộ ở một số trạm thu phí gây ùn tắc giao thông đang lan rộng ở một số địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, đặt trạm thu phí BOT nếu không xem xét giải quyết dứt điểm sẽ lan rộng từ trạm này sang trạm khác.

“BOT chúng ta có giám sát rồi. Việc đặt trạm có trách nhiệm rất là lớn của chính quyền địa phương sở tại, tất cả cái này “đổ” cho Bộ Giao thông Vận tải thì không công bằng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý, cần phải xem xét những vấn đề khi mới manh nha.

Cũng liên quan đến vụ Đồng Tâm, theo bà Nga, mấy ngày tới sẽ nêu vấn đề này.

“Việc bắt người đúng hay không đúng? Trình tự, thủ tục bắt người có đúng không? Đề nghị Bộ công an có trả lời rõ. Nếu đúng thì bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ áp dụng biện pháp ngăn chặn vì lợi ích chung. Nếu làm sai thì sai ở chỗ nào, người nào làm sai?”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, nếu không giải quyết từ gốc thì sẽ có vấn đề.

Giải quyết tốt ngay từ đầu thì không xảy ra “điểm nóng”

“Nhìn vào báo cáo thấy tình hình “êm””, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu đặt vấn đề, thực tế có diễn ra có như thế không khi số đoàn đông người tăng 13,5%? Trách nhiệm của người đứng đầu thế nào?

“Giải quyết khiếu nại, tố cáo nói rất nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu đứng ra, có trách nhiệm thì sẽ không xảy ra tình trạng như thế này. Báo cáo không chỉ ra, không có đánh giá, không có địa chỉ cụ thể thì sau này vẫn thế thôi”, ông Túy nói.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì công tác này mới đi vào “nề nếp”.

Chung quan điểm, Phó Ban Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho hay, nơi nào người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND tỉnh, TP đứng ra tiếp dân gắn liền với giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ không có “điểm nóng”. Nhưng nhiều nơi toàn ủy quyền cho cấp phó.

“Đối thoại với dân cũng không được quan tâm, hình thức, bao che, bảo thủ”, ông Đương nói và cho hay, nhiều nơi dân ấm ức lắm, mất lòng tin.

“Nơi nào giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo ngay từ đầu thì không để xảy ra điểm nóng. Khi để xảy ra điểm nóng, người đứng đầu chính quyền các cấp đứng vào trực tiếp giải quyết thì sẽ khác, vụ Đồng Tâm là một ví dụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Không để cơ quan thành “thùng” chuyển đơn

Trong năm 2017, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận 261.051 đơn thư các loại. Tại sao lại nhiều như vậy?

Theo bà Nga, trước hết do người dân bức xúc vì trong năm có 1.786 khiếu nại đúng nghĩa là cũng bấy nhiêu vụ các cơ quan giải quyết sai… Tiếp đó, là pháp luật không quy định “điểm dừng” trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Ai đứng ra trả lời dừng giải quyết khiếu nại thì ngay hôm sau trở thành đối tượng bị khiếu nại”, bà Nga đề xuất, cần xem xét lại quy định pháp luật để tránh tình trạng các cơ quan trở thành “thùng” chuyển đơn khổng lồ.

“Nên chăng, chúng ta quy định cơ quan nào nhận được đơn không đúng thẩm quyền thì trả lại và hướng dẫn người dân chuyển đơn đến đúng thẩm quyền, chứ không chuyển nữa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, phải có phần mềm kết nối toàn quốc để khi truy cập biết được vụ này ai đang giải quyết, giải quyết đến đâu, đã chấm dứt khiếu nại chưa thì đỡ công sức, đỡ tốn tiền cho cả hệ thống.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các vụ khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền thì phải ra thông báo chấm dứt.

“Báo cáo cũng cần phân tích sâu hơn những nguyên nhân chủ quan, có địa chỉ, không thể nói “một số nơi, một số cơ quan”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hoàn thiện các báo cáo, bảo đảm chuẩn về số liệu để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/dung-tien-le-tra-phi-qua-tram-bot-can-danh-gia-phan-ung-cua-nguoi-dan_t114c39n124384