Đừng tin Trung Quốc muốn COC ra đời

Những lạc quan về sự hạ nhiệt của những căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc chấp nhận thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN vào tháng tới đã nhanh chóng tiêu tan. Bắc Kinh đang tiếp tục các “chiêu trò” nhằm ngăn cản bằng được việc Bộ Quy tắc ứng xử ra đời, tờ China Post (Đài Loan) bình luận.

Vào cuối tháng Sáu, khi Trung Quốc và 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý tham vấn trong tháng Chín tới về một bộ quy tắc ràng buộc pháp lý về các hành vi ứng xử trên Biển Đông. 10 bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho biết, mục tiêu của họ là để “nhanh chóng hoàn thành COC, điều sẽ giúp cho quá trình thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Theo tờ Bưu điện Trung Hoa (The China Post), các quan chức Trung Quốc trước đó đã từ chối thảo luận về COC khi viện ra một lý do vô cùng "buồn cười" rằng "các quốc gia có liên quan đã không tuân thủ các nguyên tắc trong bản ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)’ đã ký năm 2002”.

Trên thực tế, chính Trung Quốc mới là kẻ bị tố cáo nhiều nhất và mạnh mẽ nhất vì thường xuyên có những hành động không tuân thủ theo DOC.

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng ý cho chương trình tham vấn về COC, dư luận thế giới đánh giá đây là một sự nhượng bộ của Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc đã dội một gáo nước lạnh vào niềm tin rằng COC sẽ sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngoại trưởng Vương Nghị, dù vẫn nói Bắc Kinh vui mừng khi tổ chức tham vấn, đã cảnh báo Trung Quốc sẽ chống lại bất kỳ sự mong đợi nào về một “giải pháp nhanh chóng” mà ông cho rằng “không thực tế và cũng không nghiêm trọng”.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng để chia rẽ khối ASEAN. Trong một số chương trình nghị sự của ASEAN hồi năm ngoái, khi Campuchia là chủ tịch thường trực, vấn đề Biển Đông đã không được đưa vào chương trình nghị sự và giới bình luận quốc tế đã cho rằng "Trung Quốc đã ngăn chặn thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung .

Ông Vương Nghị gần đây đã đến thăm Việt Nam, Malaysia và Brunei, nhưng đã không tới Philippines – quốc gia đang kiện Trung Quốc ra Tòa án Liên Hợp Quốc và yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai bên. Trung Quốc đã từ chối tham gia quá trình giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Khi trả lời các phương tiện truyền thông tại Việt Nam, ông Vương cho biết, Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận nhiều lần về COC, nhưng không đạt được thỏa thuận “do sự can thiệp từ một số bên nhất định” và cần phải “loại bỏ sự khác biệt”. Ý của ông Vương được giới phân tích diễn giải là để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, ASEAN cần phải “kiềm chế các hành động của các quốc gia như Việt Nam và Philippines”.

Song song với việc từ chối nhìn nhận vai trò của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Trung Quốc cũng đang cố gắng làm suy yếu lòng tin của Philippines với đồng minh của mình, Hoa Kỳ.

Các ngoại trưởng ASEAN bắt tay nhau tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Brunei, tháng 6/2013.

Một bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Globals Times) của Trung Quốc đã cảnh báo Manila rằng “thỏa thuận với Bắc Kinh sẽ tốt hơn là tìm sự giúp đỡ của quân đội Mỹ”. Bài báo cũng đưa ra nhận định “Mỹ chưa bao giờ tuyên bố một cách rõ ràng rằng sẽ hỗ trợ Philippines trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc” và “theo tư duy và chiến lược của Mỹ, Trung Quốc luôn có tầm quan trọng lớn hơn Philippines”.

Bắc Kinh khẳng định rằng, sự khác biệt về vấn đề lãnh thổ cần được giải quyết song phương, thông qua các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và từng nước trong ASEAN. Đây là phương pháp gần như chỉ đem lại lợi thế cho Trung Quốc chứ không có nhiều ý nghĩa giải quyết vấn đề thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ đa phương trong khu vực.

Trong bài phát biểu tại Bangkok ngày 2/8 ở lễ kỷ niệm 10 năm “ASEAN-Trung Quốc đối tác chiến lược”, Ngoại trưởng Trung Quốc từng thừa nhận rằng tranh chấp lãnh thổ đã “ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong thực tế”. Đáng kể, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua "tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế".

Thái độ này của Trung Quốc đã giải thích mọi vấn đề. Trong khi các nước ASEAN cố gắng hành động theo đúng luật pháp quốc tế thì Trung Quốc lại chống lại các hành động đó vì lịch sử và pháp luật không phải là điều mà Bắc Kinh muốn thực hiện.

Trong tuyên bố hồi tháng Sáu, các ngoại trưởng ASEAN đã nhắc lại về DOC và “tái khẳng định cam kết tập thể sẽ tuân theo DOC nhằm bảo đảm việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Giờ đây, vị ngoại trưởng của Trung Quốc đã nói rằng, “sự kiện lịch sử” cũng quan trọng như luật pháp quốc tế”. Tuy vậy, trong thỏa thuận DOC, khi đó ông Vương Nghị đã đại diện cho Trung Quốc ký tên, lại chỉ có những văn bản tuân thủ “luật pháp quốc tế” mà không hề đề cập đến bất cứ nguyên tắc ứng xử theo “sự kiện lịch sử” nào.

Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không những không nhận được sự hỗ trợ của Luật Biển quốc tế mà còn đi ngược lại hoàn toàn các từ ngữ rõ ràng được nêu ra trong Công ước UNCLOS. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã chống chế và giải thích cho “sự kiện lịch sử” bằng biện luận rằng luật pháp không thể thay đổi lịch sử.

Thực ra, đối với Trung Quốc, khi luật pháp đứng về phía họ, họ sẽ trích dẫn pháp luật. Còn khi luật pháp không đứng về phía họ, họ sẽ trích dẫn “sự kiện lịch sử”.

Phan Sương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Bien-dao/Dung-tin-Trung-Quoc-muon-COC-ra-doi/104443.info