Đừng vô tình với những hành động nghĩa hiệp

Vừa qua, trên các trang thông tin và mạng xã hội xuất hiện một đoạn video được cho là quay lại cảnh 2 hành khách hành hung 1 nữ nhân viên tại sân bay Nội Bài. Trong lúc đó xuất hiện 2 người đàn ông khác đã xông vào can ngăn và giải cứu nữ nhân viên của sân bay. Hình ảnh nữ nhân viên sân bay bị hành hung đã khiến dư luận bức xúc và yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ này.

Diễn biến vụ việc xảy ra tại sân bay Nội Bài. Ảnh cắt từ Clip

Vừa qua, trên các trang thông tin và mạng xã hội xuất hiện một đoạn video được cho là quay lại cảnh 2 hành khách hành hung 1 nữ nhân viên tại sân bay Nội Bài. Trong lúc đó có xuất hiện 2 người đàn ông khác đã xông vào can ngăn và giải cứu nữ nhân viên của sân bay. Hình ảnh nữ nhân viên sân bay bị đánh đã khiến dư luận bức xúc và yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ này.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Hoài Phương (Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc) cho biết Cảng vụ đang cho xác minh 2 người đàn ông đã có hành động can thiệp để giải cứu nữ nhân viên sân bay.

Theo ông Phương, về tình thì có thể hiểu họ bức xúc khi thấy đàn ông đánh phụ nữ nên can thiệp. Nhưng về lý thì thì việc “ra tay” như vậy dễ dẫn tới vụ đánh lộn lớn nếu bạn bè, người quen của hai bên xông vào đánh nhau.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay”, ông Phương nói.

Ý kiến của ông Phương đưa ra đã tạo nên một làn sóng trong dự luận, một số thì đồng tình với ý kiến này và cho rằng làm việc gì cũng phải theo pháp luật; số khác không đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, họ cho rằng sự việc 2 hành khách giằng co, kéo áo, đánh nữ nhân viên sân bay kéo dài khoảng 1 phút, vậy nhưng chẳng thấy bóng dáng của lực lượng an ninh sân bay đâu. Cho đến lúc 2 người đàn ông đã vào can thiệp, nhất là người đàn ông áo đen đã lao vào tấn công hành khách Tùng để giải cứu nữ nhân viên sân bay, thậm chí họ còn ví người này là “Lục Vân Tiên áo đen”.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng VPLS Danh Chính) cho biết, trong vụ việc này phía đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc “xem xét làm rõ luôn hành khách kia về gây rối trật tự công cộng” là chưa xác đáng và cần phải xem xét kỹ lưỡng yêu cầu này.

Luật sư Cường phân tích: Xét về yếu tố hình sự, hành vi hành hung nữ nhân viên sân bay của hai người đàn ông Thuấn và Tùng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chứng kiến sự việc này thì mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ phải ngăn chặn hành vi đó.

Xét về lý, khi nữ nhân viên sân bay bị hành hung, đánh đập (thể hiện rất rõ qua video ghi lại tại hiện trường) thì không thể lường trước được hậu quả của sự việc.

'Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì nữ nhân viên sân bay có thể bị thương tích nặng, thậm chí bị chết thì sao? Vậy nên việc ngăn chặn của “Lục Vân Tiên áo đen” lúc này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân viên sân bay", luật sư Cường nói.

Về vấn đề gây rối trật tự công cộng, theo luật sư Cường, việc “Lục Vân Tiên áo đen” tấn công ông Tùng tại nơi công cộng là để giải cứu cho nhân viên sân bay đang bị túm áo, đánh đập. nếu như chờ “các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật” thì liệu có kịp? Hơn nữa hành vi “đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay” thì phải xem xét về động cơ và mục đích của các chủ thể.

Theo đó, qua clip ghi lại cho thấy, Thuấn và Tùng mới là người giằng co, túm áo, đánh đập nữ nhân viên sân bay trong khoảng thời gian dài, còn vị “Lục Vân Tiên áo đen” tấn công Tùng là nhằm ngăn chặn người này có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác. Động cơ và mục đích của 2 hành vi là khác nhau nên không thể coi đó là cùng một hành vi “Gây rối trật tự công cộng” được".

Xét về tình, nếu như sự việc “Lục Vân Tiên áo đen” bị xem xét xử lý hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng thì vô hình chung sẽ gây ra tiền lệ xấu.

"Nếu như thế giờ đây khi ra đường, nhìn thấy những hành vi phạm pháp của người khác, liệu còn ai dám can thiệp, đứng ra bênh vực lẽ phải nữa", luật sư Cường nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng: Hành vi của người đàn ông áo đen là hành vi can ngăn và ngăn chặn người đang có hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên sân bay. Đó cũng là trách nhiệm của công dân khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó. Khi thấy nữ nhân viên sân bay bị các đối tượng đánh nơi công cộng (Sân bay) thì người khách này đã xông vào ngăn chặn bằng cách đánh lại đối tượng vi phạm nhằm triệt tiêu sự nguy cấp đến tính mạng người khác.

Tuy nhiên, nếu sự ngăn chặn này của người khách mà thái quá, không tương xứng , quá mức cần thiết mà xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của đối tượng (thiệt hại sức khỏe từ 11% trở lên) thì người khách vẫn có thể sẽ bị xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích hay gây tổn hại cho người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

'Như vậy, xét hành vi can ngăn của người khách đánh lại đối tượng nhằm triệt tiêu sự côn đồ hung hãn đang xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe nữ nhân viên sân bay thì không có dấu hiệu Tội gây rối trật tự công cộng và cũng không có căn cứ để xử lý hành chính là có căn cứ, đúng pháp luật', luật sư Thơm khẳng định.

Trước đó, vào lúc 14h ngày 18/10, hai hành khách tên Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi) đi trên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội - TP.HCM đã xô xát với nữ nhân viên Vietnam Airlines tại nhà ga T1.

Chứng kiến sự việc, hai người đàn ông đã vào can ngăn. Một người không cho hai hành khách hành hung nữ nhân viên, người còn lại đã đạp, đấm trúng ông Trần Dương Tùng - người cầm ví đánh trúng nữ nhân viên sân bay.

Sau đó, lực lượng chức năng có mặt đưa ông Tùng, ông Thuấn về phòng trực ban. Nữ nhân viên được đưa vào bệnh viện thăm khám do có biểu hiện choáng, buồn nôn và bị trầy xước phần cổ...

Sau khi vụ việc xảy ra, trong ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 10/2016.

Cũng trong ngày 20/10, Cục Hàng không Việt Nam đã ký quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Tùng, cấm vận chuyển hàng không 6 tháng đối với ông Thuấn.

Bắc Sơn

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/dung-vo-tinh-voi-nhung-hanh-dong-nghia-hiep-545070/