Được và mất khi lao động vùng cao ồ ạt rời bản làng (Bài 2)

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: 'Phần lớn phụ huynh trên địa bàn xã chúng tôi đều đi làm ăn xa, các em trong độ tuổi học sinh ở nhà với ông bà, người thân. Thời gian rời ghế nhà trường, các em thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phụ huynh nên việc học tập không được như mong muốn, một số trường hợp vướng vào tảo hôn hoặc vi phạm pháp luật'.

Bài 2: Nhiều hệ lụy khó lường về sau

Rời bản làng đến vùng đất mới, có những người không tránh được cám dỗ, dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái bị bỏ rơi thất học, vi phạm pháp luật. Nhiều bản làng vùng cao, biên giới chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, khiến địa phương gặp khó khăn trong tìm nguồn nhân lực phát triển đội ngũ đảng viên, triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Các con đi làm ăn xa, để lại bà Lữ Me Thiết một mình chăm 4 đứa cháu. Ảnh: Viết Lam

“Bản làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ”

Ngồi giữa hiên 2 ngôi nhà kiên cố nằm lưng chừng đồi, bà Lữ Me Thiết, bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn hướng ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Xung quanh bà, mấy đứa trẻ chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại thông minh. Không hiểu chúng đang chơi trò gì đó nhưng thỉnh thoảng lại hét lên: “Chém đi..., chém tiếp cho nó khô máu”. Bà Thiết tâm sự rằng, có 2 đứa con trai đều đã lập gia đình, 2 ngôi nhà kiên cố do bà quản lý đều là của các con xây dựng được sau nhiều năm đi làm ăn xa. Cả con trai, con dâu đều rời bản làng đi làm công nhân trong các công ty ở phía Nam, một mình bà chăm lo cho 4 đứa cháu lớn, nhỏ khác nhau. “Không riêng gì gia đình tôi, cả bản đều như thế cả thôi, sau dịp Tết, những người khỏe mạnh đều đi làm ăn xa. Bản làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ nương tựa vào nhau. Nhiều khi buồn lắm, chú ạ!” - bà Thiết chia sẻ.

Trong câu chuyện, bà Thiết cũng nói rằng, do đã lớn tuổi nên ở nhà cũng chỉ lo cơm nước cho bọn trẻ, còn chuyện học hành của các cháu thì không biết gì. Ngoài đi học, khi về nhà, chúng chỉ “ôm” mấy chiếc điện thoại mà bố mẹ mua cho trước lúc đi làm ăn xa. Trong 4 đứa cháu ở nhà với bà, Lữ Văn Khánh lớn tuổi nhất, đang học lớp 7 nhưng đã bỏ giữa chừng.

“Sắp tới, cháu sẽ vào tỉnh Lâm Đồng với bố mẹ để giữ trẻ cho người ta, cũng sẽ kiếm được tiền. Mà thằng Khều, em trai cháu đang học lớp 5 cũng nói không thích đến trường nữa” - Thiết hồn nhiên nói vậy. Khi được hỏi về những chiếc điện thoại đang sử dụng, cậu bé cho biết thêm, phần lớn bọn trẻ ở vùng cao đều được bố mẹ mua cho, cùng chiếc sim hòa mạng khoảng 700 nghìn đồng/năm, muốn xem, muốn chơi trò gì trên đó cũng có, chỉ trừ khi máy hết pin.

Trong sương sớm, em Lô Thị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh lớp 3, Trường Tiểu học xã Tri Lễ, huyện Quế Phong lủi thủi một mình đến trường. Khi vào lớp, em chỉ ngồi một góc, không chạy nhảy vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Nhiều thầy, cô giáo trong trường biết rất rõ hoàn cảnh của cô học trò và động viên em nỗ lực học tập tốt hơn. Theo lời kể của một thầy giáo, Hoa đang ở với ông bà đã lớn tuổi, bố mẹ vừa hoàn thành thủ tục ly hôn và mỗi người một ngả, đi làm ăn xa. Dù còn nhỏ nhưng Hoa cũng hiểu được phần nào câu chuyện của gia đình. Nước mắt lăn trên gò má, cô học trò nhỏ chia sẻ: “Trước đây, gia đình cháu tuy vất vả nhưng vui lắm khi có cả bố và mẹ ở nhà chăm sóc. Nhưng rồi mẹ theo người ta đi làm công ty ở tỉnh Bắc Ninh và có người đàn ông khác. Giờ bố mẹ bỏ nhau, đường ai nấy đi, thỉnh thoảng vẫn gửi tiền về cho ông bà nuôi cháu nhưng buồn lắm!”. Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã biên giới Tri Lễ có khoảng 1.700 người trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa. Một cán bộ địa phương cho biết, bà con đi làm ăn xa có thu nhập ổn định trở về để xây dựng nhà cửa, mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên, bản làng cũng nảy sinh rất lắm chuyện buồn, trong đó có những hệ lụy lâu dài như tỷ lệ ly hôn tăng cao, trẻ em thiếu sự quan tâm của bố mẹ.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, một số học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đã bỏ học. Quá trình tổ công tác của chính quyền địa phương, thầy, cô giáo, BĐBP băng rừng, vượt núi đến tận nhà vận động học trò trở lại trường thì biết được các em đã “lấy vợ, cưới chồng”.

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: “Phần lớn phụ huynh trên địa bàn xã chúng tôi đều đi làm ăn xa, các em trong độ tuổi học sinh ở nhà với ông bà, người thân. Thời gian rời ghế nhà trường, các em thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phụ huynh nên việc học tập không được như mong muốn, một số trường hợp vướng vào tảo hôn hoặc vi phạm pháp luật”.

Thiếu nguồn nhân lực tại chỗ

Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn được xem là “thiên đường” cho sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhân dân trên địa bàn đã trồng các loại cây như: Gừng, nghệ đỏ, dứa... cho năng suất và chất lượng tốt. Nhưng do sản phẩm sản xuất thiếu đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh, bà con lại bỏ nương rẫy, nhà cửa để rời quê đi làm ăn xa. Trong năm 2023, một doanh nghiệp chuyên sản xuất tinh bột sắn có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương vùng cao của tỉnh Nghệ An để đáp ứng công suất hoạt động. Quyết tâm thực hiện mục tiêu đó, doanh nghiệp đã cam kết đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm do bà con trồng. Trong đó, xã Na Ngoi cũng được quy hoạch trồng diện tích lớn, tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 4/2024 vẫn chưa thể thực hiện được.

Lao động trong độ tuổi thanh niên đi làm ăn xa quá lớn khiến công tác gọi, khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại huyện Tương Dương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Viết Lam

Ông Vừ Bá Lỳ, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết: “Chúng tôi thấy đây là một cơ hội tốt để phát triển kinh tế tại chỗ, nhưng đại đa số chủ hộ gia đình có diện tích nương rẫy trên địa bàn đều đi làm ăn xa. Chính quyền địa phương đã liên hệ để tuyên truyền về chủ trương, vận động bà con về quê để triển khai thực hiện dự án nhưng chưa thành công. Số lượng lao động rời quê lớn cũng khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai các mục tiêu về kinh tế, xã hội như việc huy động nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới”.

Trong số hàng chục nghìn lao động ly hương khỏi vùng cao của tỉnh Nghệ An để đi làm ăn xa, số người trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng trên 80%). Chính vì thế mà hoạt động của tổ chức đoàn, phát triển đảng viên trẻ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2023, toàn xã chúng tôi có khoảng 380 đồng chí là đoàn viên thanh niên nhưng phần lớn đều đi làm ăn xa. Thực tế cho thấy, tổ chức đoàn thanh niên tại một số bản làng không thể tổ chức sinh hoạt theo quy định mà phải ghép. Công tác phát triển đảng viên trẻ cũng rất khó khăn, cùng với đó, việc huy động nguồn nhân lực trẻ tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó với sự cố, thiên tai tại địa phương cũng rất hạn chế" - anh Già Bá Chi, Bí thư Chi đoàn xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn chia sẻ. Rồi một số lao động trong quá trình làm việc ở vùng đất mới đã du nhập những nét văn hóa ngoại lai, đạo lạ về bản làng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại khu vực biên giới.

Lao động rời quê lớn không chỉ tác động tiêu cực đến việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Công tác tuyển chọn nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Trong những năm qua, bằng nhiều biện pháp khác nhau, huyện Tương Dương luôn hoàn thành chỉ tiêu gọi, tuyển chọn thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự được cấp trên giao.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Đại, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Tương Dương thẳng thắn cho biết: “Những năm gần đây, phần lớn thanh niên trên địa bàn đều đi làm ăn xa, công tác gọi, tuyển chọn thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự gặp nhiều thách thức. Hằng năm, chúng tôi đều lập danh sách nguồn thanh niên dự bị từ rất sớm, thông báo đến từng cá nhân, gia đình và giữ mối liên hệ thường xuyên. Đến thời điểm, chúng tôi sẽ gọi thanh niên trở về quê hương tham gia khám tuyển, thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn có nhiều trường hợp tìm lý do né tránh. Việc lao động trong độ tuổi thanh niên rời quê quá đông là một thách thức lớn trong công tác kêu gọi, khám tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự tại địa phương trong những năm tiếp theo”.

Bài 3: Tìm giải pháp mang lại "lợi ích kép"

Viết Lam - Thu Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duoc-va-mat-khi-lao-dong-vung-cao-o-at-roi-ban-lang-bai-2-post474628.html