'Dưới lá cờ Quyết Thắng': Những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên

Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ Quyết Thắng' đã được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và diễn ra tại 5 điểm cầu gồm: Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh vào lúc tối 5/5, được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.

Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội, có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025; đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đoàn đại biểu Đảng Tập hợp những người Hu-phu-ê Dân chủ và Hòa bình cầm quyền ở Bờ Biển Ngà... tham dự.

Các đại biểu dự tại điểm cầu TP Hà Nội. Ảnh: Lê Tâm

Tại điểm cầu Hà Nội, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu trong nội thành Hà Nội với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Các đại biểu cùng nhau nhớ lại những ngày chiến đấu kiên cường, giữ từng căn nhà, từng góc phố, quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch. Được nghe những bài hát gợi lên không khí của Hà Nội những ngày tháng năm 1946 đến với hiện tại thông qua ca khúc Người Hà Nội.

Trong đó có câu chuyện của lực lượng quân y thông qua cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Tụ - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y và ông Lê Văn Sầm - Chiến sĩ liên lạc của GS.Tôn Thất Tùng tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” tại điểm cầu Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Lê Tâm

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tụ, trong lúc chiến dịch leo thang, thương bệnh binh gặp phải các chấn thương nặng, đặc biệt về sọ não, vượt ngoài phạm vi xử lý của quân y nên lực lượng có đánh điện xin sự trợ giúp của các giáo sư tiến sĩ hàng đầu. GS Tôn Thất Tùng đã lên thăm và quyết định ở lại. GS Tôn Thất Tùng đã vừa tự mình chữa trị cho các chiến sĩ vừa hướng dẫn các đồng nghiệp của mình thực hiện.

Bên cạnh những tiết mục về Hà Nội, về thủ đô anh hùng, các đại biểu còn nghe ca khúc “Đường lên Tây Bắc”. Các đại biểu và khán giả còn giao lưu với cựu chiến binh Ngô Thị Ngọc Diệp - Văn công Sư đoàn 308 đã mang đến một góc nhìn khác về chiến trường Điện Biên Phủ thời điểm ấy. Họ - những người đã trực tiếp có mặt tại mặt trận, mang lại nguồn động viên tinh thần to lớn cho các chiến sĩ.

Chương trình nghệ thuật "Dưới lá cờ Quyết Thắng" tại điểm cầu TP Hà Nội. Ảnh: Lê Tâm

“Dưới lá cờ Quyết Thắng” là chương trình quy mô lớn, có khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp tham gia biểu diễn. Về cơ bản, nội dung có 3 phần: Giao lưu nhân chứng lịch sử, phim tư liệu, phóng sự và chương trình nghệ thuật. Phần âm nhạc được phối khí và thu âm bởi hai nhạc sĩ tài năng là Lưu Hà An và Thanh Phương vừa tạo không khí hào hùng của Điện Biên Phủ năm xưa, vừa có những nét mới, tạo nên sự xúc động cho người nghe.

"Dưới lá cờ Quyết Thắng" lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến - Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953. Gần 500 người được huy động tham gia ở 5 điểm cầu, tổng số diễn viên và khách mời lên đến 1.000 người.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu tại 5 điểm cầu. Ảnh: Lê Tâm

Chương trình mang những câu chuyện, cung bậc cảm xúc hòa trong bản hùng ca Điện Biên. Đặc biệt, điểm cầu Điện Biên Phủ được thiết kế tại không gian của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, dựa trên 56 bậc thang tượng trưng cho 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm để làm nên chiến thắng lịch sử.

Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" mong muốn truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Gần 9 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung. Với tinh thần đó, chương trình đã lựa chọn các điểm cầu ở Kon Tum, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để nói lên sự đồng lòng của cả dân tộc, góp sức người, sức của, sự hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.

Các đại biểu và khán giả giao lưu với cựu chiến binh Ngô Thị Ngọc Diệp - Văn công Sư đoàn 308 đã mang đến một góc nhìn khác về chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Tâm

Các nội dung tại 5 điểm cầu ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình đã đưa khán giả quay lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Tại chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm, và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian.

Từ điểm cầu Điện Biên truyền đến 4 điểm cầu còn lại, tất cả cùng đồng thanh cất cao tiếng hát bài Quốc ca. Ảnh: Lê Tâm

Như bài hát: Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Nam Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Đường lên Tây Bắc, Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Huy Thục), Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)...

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duoi-la-co-quyet-thang-nhung-nam-thang-hao-hung-voi-ky-uc-khong-the-nao-quen-post294292.html