Đuổi theo sự tăng trưởng của thị trường di động

Đã có hơn 120 chủ đề được đưa ra tại ba cuộc hội thảo về thương mại di động Vietnam Mobile Day 2017 diễn ra tại ba thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Các doanh nghiệp trong nước đã cùng các chuyên gia đến từ Facebook, Google và Microsoft chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về việc tận dụng cơ hội từ sự tăng trưởng của thị trường di động.

Vietnam Mobile Day là sự kiện thường niên được khởi động từ năm 2011, với mục tiêu khẳng định vai trò quan trọng và lợi ích của thương mại điện tử trên nền tảng di động, đồng thời giới thiệu những cơ hội mà doanh nghiệp có thể nắm bắt nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này ở Việt Nam hiện nay. Những chủ đề thảo luận xoay quanh cuộc cách mạng di động này luôn có sức thu hút đối với giới chuyên ngành và cộng đồng yêu công nghệ.

Đón cơ hội từ xu hướng toàn cầu

Theo dữ liệu từ hãng phân tích thị trường viễn thông Ovum, thị trường thương mại di động (m-commerce) toàn cầu có thể đạt giá trị giao dịch là 288 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017 này, dự kiến con số tương ứng trong hai năm 2018 và 2019 sẽ là 459 tỉ và 693 tỉ đô la. Mức tăng trưởng của thương mại di động toàn cầu mỗi năm luôn cao hơn 50%.

Cũng theo sự ước tính của Ovum, số người sử dụng phương thức thanh toán qua các thiết bị di động sẽ tăng từ 690 triệu vào năm 2014 lên 4,77 tỉ người vào năm 2019, nghĩa là tăng theo cấp số nhân. Trong đó, với khoảng 370 triệu người sử dụng thương mại di động, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất thế giới tính theo số lượng người sử dụng. Với giá trị giao dịch ước tính đạt 79,36 tỉ đô la vào năm 2019, Trung Quốc sẽ là quốc gia có nền thương mại di động lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Trong khi đó, theo sự thống kê của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA), tính đến cuối năm 2015, đã có tổng cộng 411 triệu tài khoản chuyển tiền qua thiết bị di động được kích hoạt và sử dụng trên toàn cầu. Dịch vụ chuyển tiền qua thiết bị di động có tổng cộng 271 loại dịch vụ được tung ra tại 93 quốc gia, trong đó, có những dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới qua hàng chục quốc gia. Trong năm vừa qua, đã có hơn 1 tỉ giao dịch được thực hiện qua các thiết bị di động.

Tại Việt Nam, bản báo cáo Vietnam Digital Landscape 2017 do tổ chức We Are Social thực hiện đã ghi nhận rằng có khoảng 47,2 triệu người tiêu dùng truy cập Internet bằng thiết bị di động, tính đến hết tháng 1, tương đương 50% dân số cả nước; có 39% xác nhận đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến.

Trong khi đó, bản báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2017 cho thấy, 45% số doanh nghiệp Việt đã có trang web nhưng chỉ có 19% trong số đó tương thích với thiết bị di động, giảm so với mức 26% trong năm 2015. Trong khi thị trường thương mại điện tử trên nền tảng di động đem lại nhiều tiềm năng thì vẫn còn rất nhiều trang web doanh nghiệp chưa được thiết kế phù hợp với thiết bị di động.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong nước muốn thành công cần theo sát những xu hướng thương mại di động mới nhất trên thế giới. Trong đó, việc lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một sự hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và thành công. Tên miền không chỉ là một địa chỉ trên Internet mà còn là một nhân tố phù hợp với tất cả các hoạt động kinh doanh và phát triển thương hiệu, đây cũng là nhân tố tạo nên danh tiếng và uy tín cho thương hiệu. Với trang web có sự tương thích với thiết bị di động, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được khả năng hiện diện trước nhiều khách hàng hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đề cập đến vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mắt Bão, cho rằng đối với các doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu, tên miền .com luôn là một tên miền đáng tin cậy nhờ tính sẵn có, độ tín nhiệm và độ ổn định cao trong gần 20 năm qua.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của mảng giao thương trực tuyến trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20% mỗi năm và sẽ đạt khoảng 10 tỉ đô la vào năm 2020. Tuy vậy, trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ phát triển nhanh hơn và được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2017 này.

Nhận dạng những sự trở ngại

Về dài hạn, những triển vọng về thương mại điện tử, đặc biệt trên nền tảng di động, tại Việt Nam cao hơn nhiều so với sự trở ngại. Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương, cho rằng với xu hướng phát triển không ngừng của Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), tất cả các thiết bị được kết nối sẽ trở thành công cụ tham gia vào thương mại điện tử.

Cuộc khảo sát về mua sắm trực tuyến mới nhất với khách hàng của hãng MasterCard tại châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, cứ 10 người thì có đến chín người tiêu dùng Việt Nam (92%) đã mua sắm qua mạng. Theo đó, thị trường Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực sau Hàn Quốc (96,7%), Ấn Độ (95,8%) và Nhật Bản (95%).

Các yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc thu hút người tiêu dùng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mua sắm trực tuyến vẫn là việc mang lại những phương tiện thanh toán an toàn (85,9%), song song đó là giá cả (85,5%) và sự tiện lợi (85,1%).

Chúng ta không thể ngừng phát triển những giải pháp nhằm giải quyết nỗi lo tiềm ẩn về sự an toàn và an ninh khi thanh toán. Một vài giải pháp trong số này bao gồm ví kỹ thuật số và thanh toán sinh trắc học có thể giúp tái định hình và định nghĩa sự trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng”, ông Ben Gilbey, Phó chủ tịch cấp cao, bộ phận thanh toán và nghiên cứu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard, cho biết.

Mặc dù thương mại điện tử được nhận định là có nền tảng để phát triển mạnh song các chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn sự thách thức phải vượt qua để ngành này phát triển bền vững, đó là việc có được lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng, hàng hóa, dịch vụ khi họ mua sắm trực tuyến và tính bảo mật khi thanh toán trên mạng.

Trên thực tế, thương mại điện tử vẫn chưa có được niềm tin của người tiêu dùng khi các vụ tranh chấp vẫn thường xuyên xảy ra trong thời gian qua liên quan đến việc hình ảnh món hàng không giống như quảng cáo, giao hàng không đúng hẹn, không có hóa đơn… Do đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương đang nỗ lực để làm cho môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch hơn và nếu có tình trạng kinh doanh không lành mạnh, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể khiếu nại lên cơ quan này để được hỗ trợ xử lý.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch  Hiệp hội Internet Việt Nam, nhận định thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua nhưng quy mô thị trường không lớn và quy mô giao dịch còn nhỏ. Các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến trên trang web bán hàng.

Đem đến sự trải nghiệm mua săm tốt hơn

Theo kết quả cuộc nghiên cứu mới nhất của Cổng thương mại điện tử và so sánh giá iPrice (iPrice.vn) tại bảy thị trường Đông Nam Á, khi mua sắm trực tuyến, người Việt phàn nàn nhiều nhất về nạn hàng nhái và sau đó là giá thành sản phẩm.

Cổng thương mại điện tử này cũng cho biết, qua cuộc phối hợp cùng tổ chức Trusted Company (nền tảng đánh giá các doanh nghiệp thương mại điện tử tại những thị trường mới nổi) để phân tích hơn 30.000 ý kiến đánh giá của người tiêu dùng tại hơn 5.000 trang web thương mại điện tử, họ ghi nhận rằng người tiêu dùng Việt Nam và Thái Lan phàn nàn về hàng nhái nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực. Và người Việt thậm chí còn phàn nàn về hàng nhái, hàng kém chất lượng nhiều hơn 15% so với người Thái, dẫu cho Thái Lan được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp thứ 4 thế giới về nạn hàng giả tràn lan.

Bên cạnh đó, theo cuộc nghiên cứu, người Việt thường dùng mục đánh giá (review) để hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng của hàng hóa và dịch vụ. Điều này khác với các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Philippines hay Indonesia nơi người tiêu dùng vốn chỉ dùng mục review để tham khảo thông tin về cách thức mua hàng. “Đa phần người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam vẫn chuộng hình thức trò chuyện trực tuyến (chat) với chủ hoặc nhân viên cửa hàng để hỏi thêm thông tin về món hàng, cách thức sử dụng”, iPrice cho hay.

Điều đáng chú ý là, sau khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng Việt thường bày tỏ sự thất vọng và có tới 30% số đơn hàng bị họ trả lại. Đa phần khách trả lại hàng phản hồi rằng món hàng hóa không giống như những gì họ kỳ vọng (hình thức hoặc chất lượng thấp hơn so với lời cam kết) khi đặt mua hàng.

Cũng theo iPrice, yêu cầu của người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam ngày càng cao hơn. Cụ thể, thế hệ dưới 20 tuổi được cho là có yêu cầu cao hơn so với các thế hệ lớn tuổi hơn. Số liệu cho thấy, người tiêu dùng dưới 20 tuổi có xu hướng cho điểm đánh giá về doanh nghiệp và đơn hàng thấp hơn so với thế hệ 25-30 tuổi.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá 3,7 điểm trên thang điểm 5. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ có những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong nước mới có tính năng cho điểm đánh giá từ người sử dụng. Điều này cho thấy, mặc dù thị trường còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, nhưng nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đã và đang từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ để đem đến sự trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước.

“Đã đến lúc các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam cần phải có thêm nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách giải quyết triệt để những ý kiến đánh giá tiêu cực. Thấu hiểu việc người tiêu dùng nhận xét như thế nào về mình trên trang mua sắm trực tuyến chính là bước đầu tiên để các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ của mình”, iPrice khuyến nghị.

Nguyên Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/162861/a.html