Dưới trời nắng như đổ lửa, Thủ tướng đi thăm hỏi người dân tại tỉnh khô hạn nhất cả nước

Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người lao động đang thi công dự án thủy lợi và tìm hiểu tình hình hạn hán, đời sống, hoạt động canh tác của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Với khí hậu khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa chỉ khoảng 700-800 mm một năm, Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm.

Trưa 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn.

Trên công trường dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch lại hệ thống hồ thủy lợi, khai thác liên thông, dẫn nước giữa các hồ để điều tiết, sử dụng nước hài hòa, phù hợp, hiệu quả, cố gắng khắc phục vấn đề khô hạn trong năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.

Theo Thủ tướng, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm nước canh tác, sản xuất và sinh hoạt của người dân của tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 7.000 ha và cả phía nam Khánh Hòa, bắc Bình Thuận, nhất là kịp thời ứng phó cao điểm khô hạn trong tháng 5, tháng 6 tới đây.

Dưới trời nắng như đổ lửa, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người lao động đang thi công dự án và tìm hiểu tình hình hạn hán, đời sống, hoạt động canh tác của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện bà con chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, cần đổi mới theo hướng sản xuất lớn, liên kết theo mô hình hợp tác xã, vận dụng các quy định mới của Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất về các ngành hàng có lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp để hỗ trợ sản phẩm đầu vào và đầu ra, sự tham gia của ngân hàng để hỗ trợ về vốn, từ đó mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn.

N.N

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/duoi-troi-nang-nhu-do-lua-thu-tuong-khao-sat-thuc-te-tham-hoi-nguoi-dan-tai-tinh-kho-han-nhat-ca-nuoc-c2a72856.html