Đường còn xa

PNCN - Ngày chị về với anh, nó mới năm tuổi. Chị vẫn nhớ rất rõ hình ảnh đứa trẻ ấy, dễ thương và e dè, ánh mắt nhìn chị không chút tin cậy. Má chị thở dài, bảo rồi đây chị sẽ rất vất vả. “Trẻ con thì không thể làm tổn thương người lớn”, chị tin như thế. Một đứa trẻ năm tuổi cũng như tờ giấy trắng, chị sẽ viết lên đó những hàng chữ tinh tươm.

Ngày chị mới về với anh, cuộc sống khá dễ chịu. Chị chưa có con nhỏ, con gái anh sống chung với mẹ. Nhà ấy cũng lịch sự, cho phép nó gọi chị là mẹ, cuối tuần đều chở nó về ba chơi. Chị không còn trẻ nhưng trong lòng tràn đầy mộng đẹp, vẫn rất tin vào nếp nhà. Chị đã được mẹ mình giáo dục tử tế thì con anh cũng sẽ được chị thương yêu, giáo dục tử tế. Cây uốn nắn từ nhỏ nhất định không thể mọc lệch.

Ngày chị sinh con, con bé vào lớp 1. Thời gian chị ở nhà, mẹ nó viện lý do đi làm không chăm sóc con gái được, đẩy sang ba. Vậy là nó chính thức về sống với chị. Anh cũng bận rộn, giao việc chăm lo dạy dỗ con cái cho chị. Mỗi tối, chị đều kèm nó học. Nó thông minh sáng dạ, chị lại biết cách dạy kèm, nên học hành rất khá. Vì chị không phân biệt con riêng con chung nên ngoài giờ học, chị còn dạy nó làm những việc lặt vặt trong nhà. Con gái muốn lớn lên khéo léo đảm đang thì lúc nhỏ phải được dạy dỗ. Mẹ chị ngày xưa dạy chị như thế, giờ chị cũng dạy con mình như thế. Bảy, tám tuổi nó đã là một đứa trẻ ngoan, biết đi thưa về trình, đến bữa ăn biết dọn đũa lấy chén, nhà dơ biết cầm chổi quét, học hành thì lúc nào cũng điểm 9, 10. Anh vui lắm, mẹ kế con chồng hòa thuận, người đàn ông nào lại chẳng an lòng.

Khi thằng nhỏ đến tuổi gửi nhà trẻ, chị đi làm trở lại. Mẹ nó thấy chị bận rộn, lại có con nhỏ, nên đón con gái về với mình. Cái cây chị dày công uốn nắn, giờ bị bứng khỏi vườn nhà, đem trồng đất khác. Nhà ấy là nhà buôn bán, ai cũng suốt ngày ở tiệm, nên về sống với mẹ, con gái được tự do, đi học về tự lo bài vở, thích ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ. Ở tuổi đang lớn lại không người dạy dỗ, quản lý, đứa con gái ngoan ngoãn thoắt cái trở thành trái tính trái nết. Đi học về là ở lỳ trong phòng, đến bữa ăn vui thì ra, buồn thì bỏ bữa, người lớn la mắng vài câu là giận hờn khóc lóc. Chị sợ nhất là mỗi lần con bé gây nên chuyện gì, mẹ nó đều gọi điện cho ba nó mắng vốn, đổ lỗi là vợ chồng anh lúc con còn nhỏ không biết giáo dục, nuông chiều quá nên giờ nói không được! Anh ban đầu còn giải thích lý lẽ, nhưng nghe mãi cũng quạu, nhiều lúc cũng cáu gắt với chị, trách chị không biết dạy con.

Rồi mọi chuyện cũng được giải quyết sau những cuộc họp gia đình căng thẳng. Anh thương con gái, nhất quyết bắt về sống với ba. Hôm thấy nó dọn quần áo về nhà, chị cười đon đả mà lòng ngổn ngang. Thằng nhỏ giờ cũng đã học lớp 2, ngoan ngoãn chăm chỉ, nay con chị về, chỉ sợ làm gương xấu cho em. Mẹ chị không bàn luận gì, chỉ khuyên chị thương chồng thì phải mở lòng với con trẻ. Con gái của chồng thì cũng là chị của con mình, sinh ra đã mang sợi dây ràng buộc, suốt đời không cởi bỏ được. Đã không tháo được thì phải nới ra cho thoải mái, mẹ nói vậy. Vậy là chị xây dựng lại cuộc sống, coi con chồng như con mình, hết lòng thương yêu, tận tâm giáo dục. Con bé cũng dần nghe lời chị, đã hết nói năng cộc lốc, đi học về biết vào bếp phụ mẹ. Những hôm chị đi công tác, nó thay chị quán xuyến việc nhà, đưa đón em đi học, nấu cơm mấy cha con ăn. Bữa cơm đầu tiên con gái nấu cho ba, anh hớn hở gọi khoe với mẹ “con gái con giỏi lắm mẹ à”. Chị về nghe chuyện, thấy tủi thân. Con giỏi giang, đó là nhờ giống tính nết của anh; con hư là tại chị. Hạt tốt thì cây mới tốt, còn cây xấu là không phải tại giống, mà do không biết cách vun trồng!

Năm con gái vào đại học, nhà ngoại gần trường nên mẹ nó lại gọi về sống chung với mẹ. Chị mười mấy năm ngả nghiêng theo anh và vợ cũ, giờ con cái lớn đã bắt đầu thấy thấm mệt. Tờ giấy trắng chị nắn nót viết lên đó những chữ tinh tươm, lâu lâu lại bị người khác bôi bẩn. Con bé sống với chị thì theo khuôn phép của chị, về với mẹ là bị người lớn nhồi nhét tư tưởng “mẹ ghẻ con chồng” , nên càng lớn càng bi kịch hóa cuộc sống êm ấm của mình, cứ nghĩ mình bất hạnh khi không được sống cùng cha mẹ dưới một mái nhà. Đứa con gái 18 không phải là đứa trẻ năm tuổi, không còn nghe lời chị nữa. Nó có chủ kiến của nó. Chị thấy con gái bướng bỉnh đã nản lắm rồi, nhưng vì anh nên cũng ráng thêm lần nữa. Ai ở vào hoàn cảnh mẹ kế con chồng như chị mới biết, dạy con mình cực một, dạy con chồng khổ mười. Mình đem hết tình thương cho con mình, dù ngoan hay hư cũng là con mình. Nhưng, mình đem hết tình thương cho con chồng, ngoan thì nó nhờ, hư mình gánh chịu. Con gái anh sống giữa hai mái nhà từ nhỏ nên đã sớm khôn, cũng biết không nên quá bướng với mẹ kế, vì dù sao việc lớn nhỏ trong nhà cũng do chị sắp xếp. Tiền ăn học, chi tiêu cá nhân của con bé, chị tự quyết định. Nó cần tiền thì phải xin chị, ba nó không dính vào. Suốt mấy năm đại học, hai mẹ con như nắm hai đầu một sợi dây, bên này căng thì bên kia thả, cứ vậy mà dùng dằng đi bên nhau. Tận trong thâm tâm, chị và nó đều nghĩ đến hai người đàn ông trong nhà, nên luôn muốn tỏ ra vui vẻ để gia đình êm ấm. Chị cũng thấy hạnh phúc, vì nó tuy bướng bỉnh nhưng biết thương ba, thương em. Với chị, vậy là đủ. Nó thương hai người đó thì cũng như thương chị rồi.

Con gái ra trường, đi làm, mối quan hệ mẹ con vẫn cứ vậy. Nó vẫn ở với mẹ ruột nhưng không còn suy nghĩ ngả nghiêng như lúc nhỏ nữa. Chị mừng khi con gái thật sự trưởng thành. Nhìn nó, chị nghĩ đến quãng đường dài mình đã đi qua, hai mẹ con nắm tay nhau đi không phải vì nhau, mà vì những người đi bên cạnh. Hành trình tìm tiếng nói chung của mẹ kế con chồng không bao giờ bằng phẳng, nhưng nếu đã chọn thì phải cố gắng. Chị nghĩ vậy. Và chị vẫn đang cố gắng, bởi trước mặt đường còn xa lắm.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/to-am/duong-con-xa/a118881.html