Đường ngắn nhất để pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống

Bản báo cáo về công tác triển khai Hiến pháp năm 2013 và xây dựng pháp luật của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xong cho thấy công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chuyển biến thể hiện rõ ở các điểm nhấn là việc xây dựng các văn bản pháp luật kịp thời, đúng kế hoạch, tuân thủ “luật mẹ” là Hiến pháp, hạn chế việc “nợ” do chậm trễ ban hành, làm chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật và chú trọng đến việc tạo nhiều điều kiện tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bằng việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phù hợp thực tế trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp, nhìn nhận thực trạng công tác này đã cho thấy những điểm hạn chế, đặc biệt là việc ban hành các văn bản pháp luật dưới luật có những biểu hiện “trái luật”, gây cản trở đến việc “cởi trói” doanh nghiệp hoặc quyền lợi chính đáng của công dân, điển hình là việc xuất hiện các “giấy phép con” khá thịnh hành hiện nay ở các bộ, ngành khác nhau.

Như một minh chứng và là câu trả lời xác đáng tình trạng này, lãnh đạo Bộ Công thương đã có một động thái được cho là “dũng cảm” khi tuyên bố loại bỏ hàng trăm các “điều kiện kinh doanh” gây khó cho doanh nghiệp. Đây quả là một sự đột phá trong tư duy và hành động, tuy cần đến cả một lộ trình tiếp theo để tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, hạn chế đến mức thấp nhất sự nhũng nhiễu doanh nghiệp “có điều kiện kinh doanh, có thủ tục là có chén” như hiện nay và không chỉ ở ngành Công thương mà cần ở các ngành khác, đặc biệt là ở các lĩnh vực quản lý kinh tế hay hành chính nói chung.

Có thể coi là một sáng kiến để gắn việc xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật như Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo là thống nhất một đầu mối xây dựng văn bản pháp luật vào các cơ quan pháp chế ở mỗi bộ, ngành. Song, cũng cần thấy rõ một tình trạng như các vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng có những Bộ trưởng không ký vào các bản tông kết điều tra, đánh giá tác động của văn bản pháp luật đang được xây dựng.

Như vậy, vô hình trung, đã biến việc lấy ý kiến xây dựng văn bản pháp luật bị vô hiệu hóa và các quan điểm chủ quan, có lợi cho ngành quản lý vẫn được bảo lưu một cách bảo thủ. Tình trạng này trước đây đã gây bức xúc cho một nhà nghiên cứu luật học khi những ý kiến đóng góp của họ bị bỏ qua, dẫn đến việc một luật hoặc một văn bản pháp quy có nhiều sai sót, đặc biệt ít tính khả thi, buộc phải làm lại từ đầu.

Gắn việc xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật, đó là con đường ngắn nhất để pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//tu-phap/duong-ngan-nhat-de-phap-luat-nhanh-chong-di-vao-cuoc-song-357346.html