Đường sách TP HCM: Nét độc đáo của thành phố mang tên Bác

Đường sách TP HCM không chỉ là nơi mua bán sách, mà còn là nơi hội tụ, giao lưu của các độc giả yêu sách trong cả nước.

Nằm ở trung tâm TP HCM - phố Nguyễn Văn Bình nối đại lộ Hai Bà Trưng với phố Công xã Paris được mọi người gọi với cái tên khá đặc biệt: "Đường sách TP HCM”. Bởi lẽ từ hơn một năm nay, con phố nhỏ này đã trở thành nơi trưng bày sách và các sản phẩm văn hóa gắn liền với sách, đồng thời là nơi tụ hội, giao lưu của những độc giả đam mê sách trong, ngoài Thành phố.

Sách ở đây thật nhiều, có đến hàng vạn cuốn. Sách tràn ngập hai bên hè phố, sách gắn trang trí trên các pa-nô di động giữa lòng đường. Sách dày, mỏng đủ loại, cuốn bìa cứng, cuốn bìa mềm, cả truyện tranh thiếu nhi đủ màu sắc, lộng lẫy trên kệ trưng bày như mời chào khách tham quan.

Đường sách TP HCM.

Đường sách TP HCM.

Sách hấp dẫn đến độ độc giả nào đã đến đây khó mà cưỡng lại ý muốn cầm lên trên tay một cuốn. Gặp anh Hà Đình Nguyên, phóng viên Báo Thanh Niên, anh khoe với tôi mới tìm mua được một cuốn sách về lịch sử xuất bản từ những năm sáu mươi, thật quý hiếm.

Thấy rất nhiều người trẻ đang dán mắt vào các tên sách ở các gian hàng của đường sách, tôi bắt chuyện với Khánh Minh, một độc giả ở TP HCM. Chị cho biết: “Tôi thấy đường sách rất thú vị, được đọc nhiều sách và có thể kiếm cho mình nhiều cuốn sách. Nên có nhiều nơi như thế này nữa để các bạn trẻ có thể được đọc nhiều sách hơn nữa”.

Ý tưởng làm đường sách chính là của Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ TP HCM. Đam mê và gắn bó với sách nhiều năm, chị luôn mơ đến một con đường sách trong lòng Thành phố. Đó phải là một con đường sách cố định chỉ dành riêng cho sách, chứ không phải chỉ là phố có các quán sách như Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai hay đường sách ăn theo đường hoa Nguyễn Huệ khi xuân về tết đến.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (ngồi đầu bên phải) đang trao đổi với đồng sự tại văn phòng đường sách.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ: “Tôi là người Sài Gòn, thành thử ngay từ nhỏ trong tôi đã in đậm dấu ấn của những khu phố có nhiều quán sách như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đặng Thị Nhu... Rồi sau này là một cán bộ quản lý, đi công tác ra nước ngoài, tôi ấn tượng với các khu phố sách của Nhật Bản, của Pháp… Từ đó, tôi có ý tưởng về phố sách cho TP HCM. Rổi tôi đưa ý tưởng đó ra chia sẻ và được các đồng nghiệp trong ngành sách ủng hộ, tiếp đến là lãnh đạo Thành phố quan tâm, tạo điều kiện hình thành đường sách”.

Rất nhiều người yêu sách cũng như các đồng nghiệp trong ngành sách ủng hộ và cổ vũ ý tưởng đó của Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt. Và may mắn thay, ý tưởng đó đã được các đồng chí lãnh đạo TP HCM biết đến, quan tâm, tạo điều kiện để thành hiện thực. Khi lòng dân với ý Đảng đồng thuận, việc gì khó cũng có thể giải quyết.

Vào đầu năm ngoái, đường sách đã ra đời với 19 gian hàng, 2 Book cà phê sách, 1 khu dành cho sách cũ được thiết kế đẹp và trang nhã. Những đơn vị tham gia đường sách đều được chọn lựa kỹ, đa số là các đơn vị xuất bản, in ấn, phát hành sách có uy tín và chất lượng như: Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Văn hóa-văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Kim Đồng cùng các doanh nghiệp xuất bản phẩm như Trí Việt, Nhã Nam...

Đường sách không chỉ nhận được sự quan tâm của những độc giả Việt mà nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến.

Điều hành Đường sách có một công ty đường sách trực thuộc Hội Xuất bản Văn học Việt Nam hoạt động theo mô hình xã hội, không lấy tiền từ ngân sách; thành viên công ty đều là cán bộ trong ngành xuất bản. Hàng tháng, công ty thu phần quản lý phí từ các đơn vị thuê gian hàng sách, trung bình mỗi tháng khoảng 8,5 triệu đồng một gian hàng. Nguồn thu này một phần trả lương cho nhân viên phục vụ, phần còn lại đầu tư cho cơ sở hậu cần phục vụ Đường sách. Hoạt động mới chỉ một năm, nhưng Đường sách đã bán ra 500.000 bản sách với doanh thu 27 tỷ đồng. Một con số khá ấn tượng.

Mặc dù là Đường sách, nhưng ở đây không chỉ là nơi mua bán sách, mà còn là nơi hội tụ, giao lưu của các độc giả yêu sách trong cả nước. Độc giả đến đây ai cũng đều hy vọng có thể tìm thấy một cuốn sách mà mình cần, nếu không thì cũng được thỏa thích lục tìm trong các gian hàng sách để thưởng thức tại chỗ những cuốn sách mới xuất bản.

Anh Nguyễn Đình Hùng cho biết: “Tôi là người Đà Nẵng, đi công tác tranh thủ ghé đến đây. Tôi cảm thấy ở đây rất yên bình, đường sách rất đẹp, có rất nhiều cái hay, nhiều thể loại sách, gian sách trưng bày rất đẹp. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng giữa một thành phố đông đúc như thế này".

Không gian văn hóa của đường sách tuy không lớn nhưng đã khéo được tận dụng phục vụ các hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm, triển lãm trưng bày ảnh nghệ thuật, trình diễn thời trang, các talkshow liên quan đến sách.

Chị Vũ Hải Ly, một độc giả từ Hà Nội khi đến đây đã tỏ ra ngạc nhiên khi giữa lòng một Thành phố náo nhiệt nhất nước lại tồn tại một đường sách “rất thơ” như thế này.

Các quầy sách được bố trí rất đẹp mắt.

Tiếng lành đồn xa, đường sách nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dân của du khách trong và ngoài nước. Người dân Thành phố đã rất thú vị khi bất chợt gặp gỡ Thủ tướng Ireland và phu nhân nhâm nhi cà phê ở đường sách, hay thích thú được ngắm nhìn bà Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ mặc áo dài Việt Nam tung tăng cùng thiếu nữ Việt Nam trên đường sách. Rồi cả ông Ngoại trưởng Anh khi đến TP HCM cũng ghé thăm nơi đây.

Sự thành công của Đường sách đầu tiên của cả nước đã là một gợi ý cho việc nhân rộng mở rộng mô hình này, trước mắt là một đường sách tại quận 5, một trung tâm kinh tế lớn của TP HCM.

Cũng từ mô hình này, Đà Nẵng đang xây dựng vườn sách, còn thành phố Hà Nội dự kiến sẽ cho ra đời khu phố sách đầu tiên của Thủ đô vào tháng 4/2017. Trong 10 sự kiện được bình chọn trong năm 2016 của TP HCM có Đường sách. Rõ ràng là, Đường sách TP HCM đã đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu về văn hóa đọc cho người dân, như một nét xuân đẹp trong lòng Thành phố.

Nếu ai đó mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, có lẽ Đường sách chính là nơi thư giãn tốt nhất. Vừa thưởng thức một tách cà phê nóng ở Book cà phê sách, vừa đọc một cuốn sách thì còn gì thú bằng.

Đi giữa đường sách TP HCM trong không gian văn hóa - không gian tri thức, ai cũng cảm thấy lòng mình lắng đọng và bình yên. Rồi đây, cùng với đường sách, TP HCM sẽ có thêm đường hoa-sinh vật cảnh, đường văn hóa- nghệ thuật… Những con đường mang đến cho người dân trong, ngoài thành phố những món ăn tinh thần quí giá, đồng thời góp phần nâng cao dân trí và nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân thành phố mang tên Bác./.

Hồng Hải/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/duong-sach-tp-hcm-net-doc-dao-cua-thanh-pho-mang-ten-bac-587235.vov