Đường sắt Cát Linh: Giới đầu tư Trung Quốc mất uy tín...

Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Trung Quốc đã làm mất uy tín của giới đầu tư ở Việt Nam, điển hình là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đó là nhận định của PGS.TS. Phùng Thị Huệ - Viện Nghiên cứu Trung Quốc, tại cuộc tọa đàm “Sáng kiến Vành đai và con đường” diễn ra tại Hà Nội, ngày 25/8.

PGS.TS Phùng Thị Huệ thẳng thắn đưa ra những bất cập từ chính các doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư ở các nước Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi, trong đó có Việt Nam. Việc đầu tư nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng, mức phí, tiến độ, quản lý... ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nước sở tại.

“Ở Việt Nam, điển hình là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, thời hạn kéo dài gần 3 năm chưa hoàn thành, vốn tăng 300 triệu USD, xuất hiện sự cố an toàn...”, bà Huệ dẫn chứng.

Bà Huệ cho rằng, Việt Nam cũng có trách nhiệm về tình trạng dự án Cát Linh - Hà Động chậm tiến độ, nhưng thực tế doanh nghiệp Trung Quốc triển khai công trình này tác động rất xấu đến tâm lý người dân Việt Nam đối với các hạng mục hợp tác hạ tầng hai nước.

Cũng theo bà Huệ, Việt Nam - Trung Quốc đều cố gắng tìm kiếm những hạng mục hợp tác trong sáng kiến "Một vành đai một con đường" (OBOR), phù hợp với chiến lược phát triển của mỗi nước, có lợi cho mục tiêu thúc đẩy quan hệ lâu dài, ổn định, lành mạnh giữa hai quốc gia.

PGS.TS Phùng Thị Huệ nói về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong OBOR

“Vấn đề căn cốt là tìm cách phát huy lợi thế vốn có, khắc phục hạn chế đang tồn tại để đạt tới nhận thức chung trong các hạng mục xây dựng OBOR. Đó chính là tiêu chí quyết định khả năng hợp tác giữa hai nước, trong sáng kiến OBOR”, bà Huệ nhấn mạnh.

Lý giải vấn đề nói trên, bà Huệ đề cập tới việc nâng cao uy tín của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Trung Quốc, bởi trong tiến trình xây dựng OBOR, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt.

Doanh nghiệp hai nước cần khắc phục và cải thiện nhanh tình trạng này, Chính phủ hai nước cũng cần thể hiện vai trò chỉ đạo trong những hạng mục đầu tư quan trọng. Điều đó sẽ góp thêm thuận lợi và cơ hội thực hiện cho chương trình hợp tác OBOR.

“Tâm lý chung của người dân Việt Nam là không mấy tin cậy, thậm chí phản cảm với nhiều hạng mục đầu tư của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có bề dày kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng và nhu cầu phát triển hạ tầng ở Việt Nam ngày càng lớn.

Mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng các công trình hợp tác hiện có, đồng thời không làm lỡ cơ hội của các doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực đầu tư mạnh, kinh nghiệm quản lý dày dạn, sử dụng công nghệ hiện đại.

Đây là một trong những biện pháp thực tế nhất để thúc đẩy hợp tác xây dựng OBOR giữa Việt Nam và Trung Quốc”, bà Huệ nói.

Trong một diễn biến quan liên quan, mới đây, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) - chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đề xuất mong muốn được tham gia các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị ở Việt Nam.

Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng cho biết, rất hoan nghênh CREC quan tâm, hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt, nhất là hai tuyến đường sắt có thể kết nối với đường sắt Trung Quốc, từ đó đi cảng Hải Phòng: Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến Đồng Đăng – Hà Nội – Hải Phòng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/8, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho biết: "Từ lời hứa cho đến ký kết hợp đồng thực sự thì phải nghiên cứu kỹ hơn, để có quyết định cuối cùng hợp lý.

Phải để cho nhà thầu đưa ra phương án, hợp đồng thì cân nhắc, chúng ta phải ràng buộc hơn về trách nhiệm kể cả tài chính, chất lượng, công nghệ, thời gian, đừng như Cát Linh - Hà Đông".

Đánh giá năng lực nhà thầu, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng HN chỉ rõ, trên thực tế, CREC cũng gặp khá nhiều tai tiếng ở một số dự án. Tháng 6/2014, tại Ethiopia, CREC đã bị chính quyền quốc gia châu Phi buộc tự chi trả chi phí thay đổi toàn bộ 5,6 km đường ray được CREC lắp đặt sai với các tư vấn kỹ thuật.

Hay gần đây, hồi tháng 5, Công ty TRX City thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Malaysia cũng chấm dứt hợp đồng với công ty liên doanh giữa Iskandar Waterfront Holdings (IWH) và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc (CREC) được gọi tắt là ICSB, do không hoàn thành trách nhiệm chi trả trong mục điều kiện tuân thủ tiên quyết (Conditions Precedent) của hợp đồng.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-cat-linh-gioi-dau-tu-trung-quoc-mat-uy-tin-3342520/