Đường thật, đường giả?

Nếu có người bệnh tiểu đường mừng húm vì đo đường huyết có kết quả trong định mức bình thường mặc dầu tối hôm qua lén xơi... hai chén chè thì cũng không thiếu người vò đầu bứt tai vì vừa nhịn ăn vừa uống thuốc đúng y theo toa nhưng ngủ dậy thấy đường huyết vẫn cao. Đáng tiếc vì kẻ mừng quá vội, người lo quá đáng mà không ngờ chỉ vì căn cứ vào một trị số không chính xác tuyệt đối

Trước hết, đường huyết đo lúc bụng đói sáng sớm sẽ dễ sai lệch vì nhiều lý do, chẳng hạn: - Người bệnh tiểu đường, không kể đến chuyện ăn quá ngọt vào ngày hôm trước, cho dù uống đủ thuốc vẫn có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nếu đêm đó không ngủ ngon giấc hoặc chiều hôm trước uống thuốc cảm, thuốc thấp khớp... vô tình làm tăng đường huyết. Tình trạng này rất thường xảy ra với người chưa bệnh nhưng khi tầm soát lại có trị số nghi ngờ chỉ vì “nạn nhân” đêm đó quá lo lắng trước khi đến thầy thuốc nên mất ngủ. - Ngay cả người đã bị bệnh tiểu đường vẫn có thể có trị số đường huyết trong giới hạn bình thường, nếu uống đúng thuốc cữ chiều hôm trước và không ăn thêm gì cho đến sáng hôm sau. Lượng đường huyết sau cả chục giờ từ chiều qua đêm có thể trở về bình thường nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh diễn tiến tốt, vì trị số xét nghiệm chỉ phản ánh kết quả vào thời điểm đo đường huyết. Chính vì thế, để có kết quả trung thực hơn, thầy thuốc thường đo đường huyết sau khi ăn 2 giờ nhằm đánh giá khả năng điều chỉnh của cơ thể. Với người chưa bệnh thì dù ăn ngọt bao nhiêu, đường huyết cũng thấp hơn 150 mg. Trái lại, sau 2 giờ dùng cơm, đường huyết vẫn cao hơn trị số này ở người đã bệnh cũng như ở người chưa được điều trị hiệu quả. Với cách này thì gần như hết đường chối cãi. Chính xác hơn nữa khi thầy thuốc tiến hành xét nghiệm đặc hiệu để đo lượng đường gắn chặt với huyết cầu tố. Vì hồng huyết cầu sống khoảng 3 tháng nên thầy thuốc qua đó có thể xác minh đường huyết cao thấp thế nào trong 90 ngày trước thời điểm xét nghiệm. Trị số này không chỉ chính xác để định bệnh mà đồng thời là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của liệu pháp. Ít chính xác đến độ chẳng mấy ai tin là chuyện đợi kiến bu nước tiểu mới chịu khám bệnh. Đường chỉ có mặt trong nước tiểu khi đường huyết trước đó cao hơn 180 mg. Nói cách khác, đường huyết tăng, nghĩa là đã bị bệnh tiểu đường nhưng nếu đường huyết không lần đến trị số này thì nước tiểu vẫn không đủ ngọt để kiến bu. Đó là chưa kể trường hợp đầy đường trong nước tiểu nhưng kiến vẫn làm ngơ vì gặp nhằm đám kiến cữ... ngọt.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100528120243629p0c1050/duong-that-duong-gia.htm