Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt

Ngày 28-9 tới, tại thủ đô Pa-ri (Pháp) sẽ diễn ra phiên tòa quốc tế xét xử vụ kiện về chất độc da cam của một công dân Pháp, gốc Việt, đó là bà Trần Tố Nga. Dịp này, bà vừa kịp cho ra mắt Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt, cuốn tự truyện về hành trình 75 năm của cuộc đời mình.

Trong phiên tòa sắp tới, nguyên đơn - bà Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc da cam, mấy thế hệ bị ảnh hưởng, cùng ba luật sư tự nguyện sẽ tranh tụng với 38 luật sư, đại diện cho 19 công ty và tập đoàn hóa chất đã tham gia sản xuất các chất độc diệt cỏ cho quân đội Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam từ những năm 1961 - 1970. Trong khoảng 10 năm qua, đã có ba lần các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện, nhưng đều bị tòa án Mỹ viện dẫn những điều luật của họ để bác bỏ. Bà Trần Tố Nga là người hiếm hoi hội đủ các điều kiện để khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ theo luật của nước Pháp, trên đất Pháp, vì bà là nạn nhân chất độc da cam và có quốc tịch Pháp. Quá trình tiến hành tố tụng cực kỳ gian nan, phức tạp. Phía các tập đoàn kinh tế khổng lồ tung ra rất nhiều chiêu hòng gây khó về chứng lý; và quan trọng là kéo dài thời gian khi biết bị đơn là một phụ nữ đã ngoài 70 tuổi, lại mắc rất nhiều trọng bệnh, không có tiềm lực kinh tế. Để tự chuẩn bị cho mình cả về tư liệu và kinh phí, năm 2016 bà viết và cho xuất bản bằng tiếng Pháp cuốn Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi; đã bán được 800 bản để tạo kinh phí cho vụ kiện. Đầu năm nay, phát hiện mình bị ung thư, trong khi chờ đủ sức khỏe để lên bàn mổ, bà bắt tay vào viết Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt. Trong thời gian ba tháng, hơn 450 trang tự truyện được viết xong, vì không ai có thể biết và bảo đảm sức khỏe, trí nhớ bà sẽ ra sao sau khi phẫu thuật ung thư. Sau mấy đợt hóa trị, bà mang bản thảo về Việt Nam. Nhờ có bạn bè và đặc biệt là Nhà xuất bản Trẻ chung tay góp sức, cuốn sách được ấn hành. Sau cuộc ra mắt tràn đầy tình cảm yêu thương, kính trọng của bạn đọc và thân hữu ở TP Hồ Chí Minh, 1.000 bản sách đầu tiên được bán hết. Ngày 7-9 mới đây, tại Hà Nội, cuốn sách lại được đông đảo đồng chí, đồng đội, bạn bè và người đọc trẻ quan tâm. Toàn bộ tiền bán sách dành góp quỹ của vụ kiện.

Đường đời của mỗi chúng ta không chỉ do từng người tự quyết định mà tùy thuộc rất nhiều vào thời đại mà chúng ta đang sống. Hạnh phúc và may mắn thay cho những ai đến cuối đời có thể tự nhủ: Nếu được đi trở lại tôi sẽ lại đi đường này… Đối với nhiều người, điều đáng tự hào lớn nhất là chúng tôi đã không chịu để mất mình trong những điều kiện nghiệt ngã nhất, đã không phản bội lại những giá trị sống mà chúng tôi được giáo dục từ khi còn tấm bé, từ trong truyền thống của gia đình và dân tộc mình. Đó là những dòng tâm huyết trong lời nói đầu về lý do viết tự truyện của Trần Tố Nga. Trong nhiều nghĩa của tên sách, có một nghĩa là đường đời của người con gái họ Trần, đã sinh năm Ngọ, lại vào sáng sớm, giờ ngựa phải lên đường kéo xe. Bà Tố Nga sinh ở Sóc Trăng, gốc miền Tây Nam Bộ, nhưng đến tuổi đi học thì về Sài Gòn ở với ông bà ngoại. Bố bà từng được cài vào hoạt động trong hàng ngũ quân đội Pháp, mất sớm, để lại người vợ trẻ 24 tuổi và bốn đứa con thơ. Mẹ bà tham gia nhiều hoạt động yêu nước, năm 1955 bị tù, năm 1957 bị đày ra Côn Đảo. Năm 1960, trước cao trào cách mạng đang lên, bà được thả và vào ngay chiến khu. Khi Mặt trận Giải phóng ra đời, bà được cử là Ủy viên Trung ương, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng miền nam Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bà mất tích trong trận càn phối hợp Việt - Mỹ mang tên Cedar Falls vào vùng căn cứ của Mặt trận, năm 1967. Mãi 40 năm sau, gia đình mới tìm thấy di hài bà chết ngồi, trong tư thế bị trói quặt tay...

Những chi tiết tiểu sử sơ sài ấy, chỉ là phần mở đầu cho câu chuyện dài về cuộc đời của cô gái nhỏ 13 tuổi được ra bắc học tập ở Trường học sinh miền nam, vì nhỡ việc đi học nước ngoài nên vào học Khoa Hóa, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, thay vì đi học tiếp, Tố Nga chọn con đường trở lại quê nhà. Rất nhiều gian khổ, khó nhọc, nguy hiểm mà một cô gái trẻ từng trải trên hành trình đi bộ vượt Trường Sơn dài bốn tháng, những năm ở R với nhiều công việc không tên, trước khi trở thành phóng viên tin tức của Thông tấn xã Giải phóng. Ở đây, bà có hạnh phúc được gặp lại mẹ, dù rất ngắn ngủi. Cũng là những năm nhiều lần lặn lội sống trong những cánh rừng bị phủ dầy chất độc da cam, con trai sinh ra bị nhiễm bệnh rồi mất mà không biết nguồn bệnh. Do nhiều lợi thế về nhân thân, năm 1972, Tố Nga được trở lại Sài Gòn, làm giao liên cho Ban Trí vận. Nhanh nhẹn, tháo vát, thông thạo đường đi lối về, bà đã tham gia móc nối được nhiều cơ sở quan trọng. Giữa năm 1974 bà bị lộ, bị bắt với các tài liệu không kịp hủy. Những tháng trong tù, dù bà đang mang thai sắp đến ngày sinh, vẫn bị tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ vì địch biết khá rõ bà là một đầu mối quan trọng. Nhưng kiên định và khôn khéo, bà đã giữ vững khí tiết, bí mật để nhiều nhân vật nội tuyến an toàn tham gia các vị trí quan trọng trong những ngày cuối cùng kết thúc chiến tranh. Ngày 30-4-1975, bà ra tù với đứa con gái bốn tháng tuổi.

Sau giải phóng, Trần Tố Nga tham gia nhiều công việc, nhưng bà nhớ nhất những ngày gian khổ xây dựng lại các trường Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie rồi Sư phạm kỹ thuật. Mấy chục năm qua, trong nhiều cương vị, công việc, bà đã thật sự là chiếc cầu nối cho những phận người bất hạnh, những người ở hai phía hiểu nhau hơn. Cụ thể như giới thiệu cho 40 trẻ em bất hạnh được nhận làm con nuôi, giờ hầu hết trưởng thành, có cuộc sống ổn định; tổ chức cho một đoàn hơn 300 cựu binh từng tham gia quân đội Pháp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ; mang hơn 200 ngôi nhà tình nghĩa về cho nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình... Và lần này, bước qua tuổi 75, người nữ chiến sĩ kiên cường ấy lại một mình đương đầu với một cuộc chiến pháp lý không cân sức. Nhưng bà không đơn độc, bởi vậy, viết Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt, bà còn coi đó là lời cảm ơn tất cả những ai đã hỗ trợ mình trong cuộc sống và đứng bên mình trong cuộc chiến đấu mới: Vụ kiện mang tên Trần Tố Nga đã thành việc chung của hàng triệu con người, vì công bằng, công lý cho con người (tr. 437).

Dẫu biết còn nhiều, rất nhiều khó khăn trắc trở, chúng ta vẫn tin rằng trong cuộc chiến đấu pháp lý trường kỳ này, một lần nữa chúng ta sẽ chiến thắng. Bởi có những trái tim nhân hậu và khí phách như Trần Tố Nga .

NHÀ VĂN NGÔ THẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34094602-duong-tran-ngon-lua-khong-bao-gio-tat.html