Duterte muốn lính Mỹ rút khỏi Nam Philippines

Phát biểu này của Tổng thống Philippines càng làm gia tăng thêm sự bất ổn trong quan hệ Mỹ-Philippines...

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/9 kêu gọi rút lực lượng đặc biệt của Mỹ khỏi một quần đảo ở miền Nam Philippines, nói rằng sự hiện diện của lực lượng này có thể làm phức tạp thêm chiến dịch tiêu diệt phiến quân Hồi giáo.

Ông Duterte, người mới tuần trước gây xôn xao khi lên tiếng “mắng” Mỹ và Tổng thống Barack Obama trên truyền hình, nói những người lính Mỹ vẫn đang ở Mindanao là mục tiêu giá trị cao của phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf. Đây là một nhóm phiến quân có quan hệ với tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và đang bị quân Chính phủ Philippines đặt mục tiêu triệt hạ trong một chiến dịch chống nổi dậy.

“Họ sẽ phải rời đi”, Duterte nói về lực lượng đặc biệt của Mỹ ở Midanao. “Tôi không muốn bất hòa với Mỹ, nhưng họ sẽ phải đi”.

Ông nói thêm: “Phiến quân sẽ giết họ, chúng sẽ tìm cách bắt cóc họ để đòi tiền chuộc”.

Những phát biểu này của Tổng thống Philippines, người nổi tiếng vì có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, càng làm gia tăng thêm sự bất ổn trong quan hệ Mỹ-Philippines kể từ khi ông lên cầm quyền. Philippines là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á.

Phát ngôn viên John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, hiện Manila chưa chính thức đề nghị Mỹ rút quân khỏi Mindanao. Ông Kirby nói Washington vẫn cam kết liên minh với Manila.

Một quan chức khác của Mỹ nói nước này chỉ có “một vài” binh sỹ thuộc lực lượng đặc biệt ở Mindanao để thực hiện những nhiệm vụ liên lạc hạn chế.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh những mối quan tâm và lợi ích chung giữa Mỹ và Philippines, nhưng sau đó đã “ngầm” chỉ trích Tổng thống Duterte. Ông Earnest có vẻ như đã so sánh Duterte với Donald Trump - ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, người cũng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi.

“Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của các cuộc bầu cử”, vị phát ngôn viên nói tại một cuộc họp báo thường kỳ. “Các cuộc bầu cử luôn có hệ quả. Bầu cử thực sự nói lên nhiều điều về người sẽ đại diện cho đất nước của các bạn trên trường quốc tế”.

“Và đó là lý do vì sao các bạn cần chú trọng những phẩm chất như lịch thiệp, tính khí, và khả năng suy xét của ứng cử viên khi bỏ lá phiếu, bởi vì các bạn iết rằng người đó sẽ đại diện cho bạn trên trường quốc tế. Đó chắc chắn là điều mà người dân Philippines nhận thức được”.

Tuần trước, Tổng thống Obama đã hủy một cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước với ông Duterte bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào sau khi bị Duterte dọa “nguyền rủa”.

Mỹ đã triển khai lực lượng đặc biệt tới Mindanao vào năm 2002 để đào tạo và tư vấn cho các lực lượng Philippines chống phiến quân Abu Sayyaf theo một chương trình từng có sự tham gia của 12.000 lính Mỹ.

Chương trình trên đã kết thúc vào năm 2015, nhưng vẫn còn một số lính Mỹ ở Mindanao để thực hiện các hỗ trợ về hậu cần và kỹ thuật.

Kể từ đó, Mỹ đã dịch chuyển trọng tâm an ninh ở Philippines sang vấn đề biển Đông, nơi cả hai cùng có mối lo ngại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Để tạo đối trọng với Trung Quốc, không lâu trước khi ông Duterte lên cầm quyền, Mỹ và Philippines đã thông qua thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường. Thỏa thuận này cho phép Mỹ tiếp cận luân phiên 5 căn cứ quân sự ở Philippines.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/the-gioi/duterte-muon-linh-my-rut-khoi-nam-philippines-20160913101131509.htm