Duyên nghề thắp tình yêu đôi lứa

GD&TĐ - Câu chuyện tình đẹp như cổ tích của người giáo viên cắm bản đã dẫn lối chúng tôi đến với vùng cao huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Cùng chung tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, lại sinh sống trong điều kiện khó khăn, vất vả nơi vùng cao biên giới đã giúp họ đến với nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.

Điểm hẹn từ lòng yêu nghề

Đến với vùng cao xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi thực sự xúc động khi được nghe câu chuyện tình cảm động của vợ chồng thầy Từ Hải Nam và cô Phạm Thùy Ngân – cùng là giáo viên Trường TH và THCS Dân Hóa. Định mệnh giúp hai người gặp nhau cũng như nghề giáo đã lựa chọn họ.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình (nay là Trường Đại học Quảng Bình), thầy Từ Hải Nam (quê ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) lên nhận công tác ở xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa). Ba năm sau, năm 2004, thầy lại được chuyển lên Trường TH và THCS Dân Hóa, bắt đầu gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Còn cô Ngân (quê xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, năm 2007, cô được phân công lên xã vùng biên giới Dân Hóa dạy học. Nhớ lại những khó khăn ngày đầu khi mới đặt chân lên vùng cao biên giới dạy học, cô Ngân bày tỏ: “Ngày đó, đường lên xã biên giới Dân Hóa còn rất nhiều khó khăn nên có khi cả tháng trời mới về được một lần.

Nhà trường vẫn chưa có điện sáng nên phải dùng đèn dầu. Cả xã chỉ có mỗi cái điện thoại bàn, sự liên lạc với gia đình, người thân hết sức khó khăn. Lúc đó, phương tiện liên lạc với mọi người vẫn bằng thư tay, mà thư từ thường xuyên bị thất lạc, chậm trễ cả tháng trời mới nhận được. Còn chỗ ở của giáo viên chỉ là căn nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá được ngăn thành từng phòng cho giáo viên ở…”.

Sống, làm việc trong hoàn cảnh như vậy, những người giáo viên vùng cao luôn đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Hàng ngày sau giờ lên lớp, giáo viên nam phải vào rừng kiếm củi về đốt, kiếm măng, hái rau rừng về ăn. Còn giáo viên nữ ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Đời sống người giáo viên vùng cao như vậy nhưng ai cũng hăng say, nhiệt huyết với nghề. Chính cuộc sống bình dị, chân chất đó đã kết duyên tình cảm gia đình giữa hai người.

Đong đầy những kỷ niệm

Hơn 15 năm trong nghề, cũng chừng ấy thời gian, anh chị đã gắn bó với mảnh đất biên cương để dạy chữ cho học trò. Thầy Nam tâm sự: “Nhiều lúc cũng nhớ con lắm, nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau để vượt qua khó khăn, bởi chúng tôi hiểu rằng, các em học sinh nơi đây đang rất cần chúng tôi”.

Học sinh Trường TH và THCS Dân Hóa có nhiều em nhà rất nghèo, lại cách xa trường hơn cả chục km nhưng vẫn hàng ngày đến lớp đều đặn. Nhiều buổi, các em học xong rồi ăn ở tại trường. Bữa ăn của học trò nơi đây chỉ có cơm với măng, rau rừng là chủ yếu. Có năm, mưa gió mất mùa, nhiều em không có gạo ăn phải ăn sắn để trừ bữa.

Những lúc như thế, vợ chồng thầy Nam cùng các thầy cô trong trường bảo nhau nấu cơm nhiều hơn để ăn cùng các em hoặc chia cho học trò vài gói mỳ tôm ăn qua bữa. Mùa đông, các thầy cô thường gom quần áo cũ ở quê, giặt giũ sạch sẽ rồi đem tặng cho các em.

Tình cảm của những người giáo viên vùng cao biên giới Dân Hóa dành cho học trò nơi đây không thể kể hết. Để đáp lại tình cảm đó, các học trò nơi đây ngày càng chăm ngoan học giỏi.

Cô Ngân chia sẻ: Trong các dịp lễ 20/11, thầy cô nơi đây thường nhận được món quà hết sức độc đáo từ các em học sinh, đó là “vòng nguyệt quế” được kết từ những cánh hoa rừng, hay những bó hoa xoan trắng tinh thơm ngát. Những món quà đó khiến chúng tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc vì tình học trò mình đã biết quan tâm đến thầy cô trong ngày lễ”.Còn đối với thầy Nam không thể nào quên được kỷ niệm cách đây 10 năm trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thầy Nam kể: “Lúc đó, đang trong giờ học thì có một học trò ở bản Ba Loóc xách cặp nhẹ nhàng bước lên bục giảng. Khi tôi quay lại thì thấy em lấy trong cặp ra một túi gạo rang, hai tay đưa lên lễ phép nói “Em tặng thầy món quà nhỏ nhân ngày 20/11”. Vui vẻ nhận món quà đặc biệt của em, tôi thấy lòng ấm áp và hạnh phúc đến lạ. Xong tiết học, tôi gọi tất cả các em vào lớp chia nhau gạo rang ăn trong không khí vui vẻ, ấm tình thầy trò. Và ngày hôm sau, hàng chục em trong lớp đã mang gạo rang đến lớp tặng thầy”.

Cô Ngân bày tỏ: “Giờ đây, vùng đất Dân Hóa đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của vợ chồng tôi rồi đó! Vợ chồng tôi thầm nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng biên giới này.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Dân Hóa - cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, trường đã có 12 cán bộ, giáo viên miền xuôi lên đây công tác rồi xây dựng gia đình với nhau. Nhưng chỉ có đôi vợ chồng thầy Nam, cô Ngân là bám trụ lâu nhất. Hiện hai vợ chồng cũng đã gặt hái được nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, đặc biệt là cô Ngân đã từng 3 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/duyen-nghe-thap-tinh-yeu-doi-lua-2640246-b.html