ECB bối rối vì đồng euro mạnh

Mặc dù khu vực đồng tiền chung euro đang được cho là có kinh tế tốt nhất trong 10 năm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tỏ ra hết sức thận trọng trong việc quyết định giảm dần các biện pháp khẩn cấp...

Khi ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, bắt đầu phát biểu tại buổi họp báo tuần trước để thông báo về chính sách của ECB, giá đồng euro trên thị trường bắt đầu tăng lên so với đồng đô la Mỹ.

“Sự biến động về tỷ giá hối đoái gần đây là một yếu tố bất ổn cần phải được theo dõi sát”, ông Draghi được The New York Times trích lời cho biết.

Như đùa giỡn với Chủ tịch ECB, trong suốt phiên họp báo, giá euro tiếp tục tăng và vượt qua ngưỡng 1 euro ăn 1,2 đô la. Đáng chú ý là trong năm nay, mặc dù euro đã tăng giá 14% so với đô la, thì đồng tiền của châu Âu mới chỉ một lần vượt qua mức 1/1,2 hồi tháng 8 vừa qua. Và đây là lần thứ hai, euro vượt qua ngưỡng này.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2015. Song ở châu Âu, ECB vẫn tiếp tục bơm tiền mặt vào thị trường 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung, nhằm giảm lãi suất, kích thích tăng trưởng và đỡ cho lạm phát khỏi tụt xuống mức nguy hiểm.

Các chương trình này, được gọi là “nới lỏng định lượng”, phần lớn đã có hiệu quả, giúp khu vực vượt qua cơn khủng hoảng kéo dài. Nhưng nó cũng có những tác dụng phụ, chẳng hạn như khiến cho giá bất động sản ở Đức tăng lên tới mức người ta lo ngại về tình trạng bong bóng.

Ảnh minh hoạ

Ông Draghi một lần nữa khẳng định, lợi ích của chương trình nới lỏng định lượng vượt xa bất kỳ tác động tiêu cực nào. Tuy nhiên, ông thừa nhận, việc Fed chuyển hướng ngược lại khiến ECB phải chịu áp lực thay đổi chính sách của mình.

Mặc dù Hội đồng quản trị của ECB vẫn bỏ phiếu giữ nguyên chính sách tiền tệ (duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%), song ông Draghi cho biết các nhà hoạch định chính sách đã có những cuộc thảo luận sơ bộ về việc giảm bớt các chương trình kích thích kinh tế. Ông cho hay hàng loạt quyết định về việc này sẽ được đưa ra trong phiên họp cuối tháng tới.

Trong buổi họp báo, Chủ tịch ECB nhiều lần nhắc đến sự biến động của tỷ giá hối đoái giữa euro và đô la mà ông tỏ ra lo ngại, gọi đó là những điều kiện có thể làm thay đổi các giả định về hoạt động của nền kinh tế các nước trong khu vực euro.

Rõ ràng, khi đồng euro tăng giá so với đô la Mỹ, xuất khẩu của châu Âu sẽ trở nên đắt hơn, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước khác, như Trung Quốc, nơi có đồng nội tệ gắn bó chặt với đô la Mỹ. Điều đó có nghĩa là các công ty châu Âu sẽ bán ít hàng hóa hơn ở nước ngoài, gây tổn thương cho tăng trưởng và kéo dài sự cần thiết phải kích thích kinh tế.

Đồng euro mạnh cũng ảnh hưởng đến nỗ lực của ECB trong việc đưa lạm phát đạt mục tiêu 2%, mức được coi là lành mạnh cho sự tăng trưởng. Tỷ lệ lạm phát của khu vực trong tháng 8 vừa qua là 1,5%, và dự kiến mức này sẽ khó tăng lên trong thời gian tới.

Đồng euro mạnh sẽ khiến cho giá dầu nhập khẩu và các hàng hóa tiêu dùng rẻ hơn cho người dân. Đó không phải thông tin xấu, nhưng lạm phát thấp đồng nghĩa với việc ông Draghi sẽ tiếp tục phải in tiền lâu hơn thời gian mà ông mong muốn.

Chủ tịch ECB sẽ không thể làm gì nhiều với đồng đô la. Sự mất giá của đồng tiền này là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng về địa chính trị, chủ yếu là tình hình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nhà đầu tư cũng đang bi quan về khả năng Tổng thống D.Trump và Quốc hội Mỹ tìm được sự đồng thuận với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ, chẳng hạn như các chương trình cơ sở hạ tầng hoặc cải cách thuế doanh nghiệp.

Trong khi không làm được gì với đồng đô la, thì với đồng euro, ông Draghi cũng khá sốt ruột vì ECB đã in tiền suốt hơn hai năm qua. Họ sử dụng đồng euro mới để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, nhằm giúp các chính phủ dễ dàng giải quyết các khoản nợ của họ và cung cấp tiền “giá rẻ” cho các công ty để đầu tư.

ECB cho biết sẽ chi 60 tỉ euro, tương đương 72 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng vào thị trường trái phiếu trong khu vực, ít nhất là cho đến tháng 12, nhưng chưa nói gì sẽ làm sau đó. Ông Draghi nhắc lại ECB sẽ không tăng lãi suất chuẩn 0% cho đến khi kết thúc việc mua trái phiếu. Điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất có lẽ vẫn xa vời.

Những yếu tố trên cho thấy, ông Draghi và các quan chức ECB đang khá bối rối và đang dò dẫm từng bước nhỏ trên chặng đường dài ổn định nền kinh tế các nước châu Âu.

Theo TBKTSG

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ecb-boi-roi-vi-dong-euro-manh-209291.htm