Elon Musk tìm ứng viên thứ 2 cấy chip não Neuralink, ai đủ điều kiện?

Dự án chip Neuralink của Elon Musk được cho là có kế hoạch thử nghiệm trên 11 người trong năm nay, và nhắm mục tiêu đạt hơn 22.000 người dùng vào năm 2030.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk cho biết công ty khởi nghiệp cấy ghép não Neuralink của ông đang tìm kiếm người thứ 2 sẵn sàng đón nhận con chip “Thần giao cách cảm”, sau khi thiết bị này được cấy ghép thành công vào bệnh nhân đầu tiên vào đầu năm nay.

“Neuralink đang chấp nhận đơn đăng ký của người tham gia thứ hai. Đây là thiết bị cấy ghép não điều khiển thần giao cách cảm của chúng tôi, cho phép các vị điều khiển điện thoại và máy tính của mình chỉ bằng suy nghĩ”, tỷ phú Musk đăng trên X/Twitter hôm 17/5.

“Không ai tốt hơn chính bản thân Noland Arbaugh có thể kể cho các vị nghe về ca cấy ghép đầu tiên”, ông nói thêm, đề cập đến người đầu tiên được cấy chip Neuralink vào não.

Sau khi nhận được giấy phép bắt đầu thử nghiệm trên người hồi cuối năm ngoái, vào tháng 3 năm nay, Neuralink đã tiết lộ người đầu tiên tiếp nhận chip não.

Noland Arbaugh, 30 tuổi, người bị liệt từ vai trở xuống sau một tai nạn lặn biển, đã mô tả việc cấy ghép chip vào não là một bước ngoặt “thay đổi cuộc sống”, cho phép anh lướt web, đăng bài trên mạng xã hội và chơi trò chơi điện tử chỉ bằng việc sử dụng suy nghĩ.

Tỷ phú Elon Musk (trái) và bệnh nhân bị liệt từ vai trở xuống chơi cờ và di chuyển trỏ chuột bằng suy nghĩ sau khi được cấy ghép chip Neuralink vào não. Ảnh: Times Now News

Tỷ phú Elon Musk (trái) và bệnh nhân bị liệt từ vai trở xuống chơi cờ và di chuyển trỏ chuột bằng suy nghĩ sau khi được cấy ghép chip Neuralink vào não. Ảnh: Times Now News

Tuy nhiên, thử nghiệm đầu tiên trên người của Neuralink không diễn ra suôn sẻ. Tuần trước, công ty cho biết một số sợi nhỏ mà thiết bị sử dụng để giao tiếp với não, mỗi sợi mỏng hơn sợi tóc người, đã trượt khỏi vị trí của chúng vài tuần sau cuộc phẫu thuật.

Sự cố khiến bộ phận cấy ghép kém hiệu quả hơn và công ty được cho là đã cân nhắc việc loại bỏ nó hoàn toàn. Arbaugh nói với Bloomberg rằng anh “đã khóc một chút” khi bắt đầu nhận thấy sự chậm trễ giữa suy nghĩ của mình và con trỏ máy tính. Neuralink cho biết trong một bài đăng trên blog rằng họ đã thực hiện các chỉnh sửa đối với bộ phận cấy ghép cho Arbaugh, giúp nó hoạt động hiệu quả trở lại.

Công ty khởi nghiệp do tỷ phú Elon Musk thành lập năm 2016 có thể không gặp khó khăn trong việc thu hút người đăng ký tham gia thử nghiệm mới nhất trên người. Được biết, hàng nghìn người đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cắt bỏ một phần hộp sọ của họ và lắp chip não vào khi Neuralink bắt đầu đăng tuyển vào tháng 9 năm ngoái.

Neuralink được cho là có kế hoạch thử nghiệm trên 11 người trong năm nay, và nhắm mục tiêu đạt hơn 22.000 người dùng vào năm 2030, Bloomberg đưa tin. Neuralink đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Business Insider.

Nghiên cứu PRIME, viết tắt của Giao diện máy tính-não được cấy ghép chính xác bằng robot, là một thử nghiệm thiết bị y tế nghiên cứu dành cho giao diện não-máy tính không dây (BCI) được cấy ghép hoàn chỉnh của Neuralink. Nó nhằm mục đích đánh giá sự an toàn của bộ cấy N1 và robot phẫu thuật R1, cũng như chức năng ban đầu của BCI trong việc cho phép những người bị liệt tứ chi điều khiển các thiết bị bên ngoài bằng suy nghĩ của họ.

Để được tham gia cấy ghép chip não, ứng viên phải thỏa mãn một số điều kiện: Là các cá nhân ở Mỹ hoặc Canada, từ 18 tuổi trở lên, bị liệt tứ chi, liệt hai chân, giảm thị lực, giảm thính lực, không thể nói và/hoặc bị cắt cụt chi lớn (trên hoặc dưới khuỷu tay và/hoặc đầu gối), tự nguyện và được mời tham gia.

Minh Đức (Theo Business Insider, Hindustan Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/elon-musk-tim-ung-vien-thu-2-cay-chip-nao-neuralink-ai-du-dieu-kien-a664121.html