“Em bé napalm” và câu chuyện quyền lực truyền thông của Facebook

Rốt cuộc, trước nhiều chỉ trích từ những cơ quan báo chí và chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, Facebook cuối cùng cũng chịu thua và quyết định gỡ bỏ kiểm duyệt bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau cuộc tranh cãi về một tấm ảnh là câu chuyện về quyền lực truyền thông của”ông vua” mạng xã hội.

Rốt cuộc, trước nhiều chỉ trích từ những cơ quan báo chí và chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, Facebook cuối cùng cũng chịu thua và quyết định gỡ bỏ kiểm duyệt bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau cuộc tranh cãi về một tấm ảnh là câu chuyện về quyền lực truyền thông của”ông vua” mạng xã hội.

Quyết định nhiều tranh cãi

Mọi chuyện bắt đầu từ việc ngày 5/9/2016, nhà báo Tom Egeland, làm việc cho tờ Aftenposten của Na Uy, mở một thảo luận về “7 bức ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh” trên tài khoản Facebook cá nhân, trong số đó có bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng phản ánh sự kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam, được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia Nick Ut của hãng tin AP. Trước đó hai tuần, Egeland cũng đã đăng tải bức ảnh này.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 5/9, Facebook đã bất ngờ xóa đi đăng tải của Egeland và khóa tài khoản của ông trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nói lý do rằng bức ảnh mà ông đăng tải vi phạm quy chế của trang mạng xã hội này, rằng “Em bé napalm” là một bức ảnh… khiêu dâm.

Bức ảnh “Em bé Napalm” bị Facebook coi là bức ảnh khiêu dâm.

Aftenposten, tờ báo lớn nhất tại Na Uy, đã quyết định đưa tin về lệnh khóa tài khoản này của Facebook. Tòa soạn của tờ báo cũng sử dụng lại bức ảnh chụp cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc đang gào thét, không mảnh vải che thân vì bị bom napalm của Mỹ làm bỏng toàn thân. Bức ảnh này lại một lần nữa được chia sẻ trên trang Facebook của Aftenposten. Không lâu sau đó, tờ báo Na Uy nhận được tin nhắn từ trang mạng yêu cầu “hoặc gỡ bỏ hoặc phải làm mờ đi” bức ảnh.

Quyết định này của Facebook ngay lập tức tạo nên làn sóng tranh cãi. Ngày 8/9 vừa qua, tổng biên tập kiêm CEO của tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen đã viết một lá thư gửi Mark Zuckerberg, phản đối cách hành xử của Facebook đối với một bức ảnh báo chí mang tính chất lịch sử như vậy. Bức thư của tổng biên tập tờ Aftenposten được dẫn lại bởi nhiều hãng truyền thông quốc tế. Một số lượng lớn người sử dụng Facebook đã chia sẻ lại bức ảnh để phản đối hành động “kiểm duyệt” của Facebook. Hơn 180.000 người vào trang The Guardian để theo dõi cập nhật toàn cảnh về vụ tranh cãi này. Hơn 4.000 người chia sẻ bài viết về tranh cãi này trên Facebook với bức ảnh không bị che mờ. Ngay cả nhân vật chính của bức ảnh, bà Phan Thị Kim Phúc (hiện sống tại Canada) cũng lên tiếng: “Tôi rất buồn khi họ chỉ tập trung vào khía cạnh khỏa thân mà không nhìn thấy được thông điệp mạnh mẽ mà bức ảnh lịch sử này truyền tải”. Ngay cả nữ Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng tham gia cuộc tranh luận này. Viết trên tài khoản Facebook của mình, bà cho rằng bức ảnh đoạt giải Pulitzer của nhiếp ảnh gia Nick Ut đã “định hình lịch sử thế giới”. Bà cũng cho rằng hành động của Facebook là hoàn toàn sai và Facebook đã “tiếp tay hạn chế quyền tự do báo chí”. (Không lâu sau đó, Facebook đã xóa luôn cả đăng tải này của bà).

Câu hỏi về quyền lực truyền thông của Facebook

Trước nhiều chỉ trích từ những cơ quan báo chí và chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, Facebook cuối cùng phải nhượng bộ. Ngày 9/9, trang mạng xã hội này ra tuyên bố cho biết họ sẽ công nhận “tính lịch sử và tầm quan trọng toàn cầu” của bức ảnh. Facebook cho biết đã khôi phục lại những bức ảnh “Em bé napalm” mà trước đó họ đã gỡ bỏ khỏi các tài khoản. Trang mạng này cũng cho biết sẽ “điều chỉnh lại hệ thống để cho phép chia sẻ bức ảnh này”, khẳng định các điều chỉnh sẽ hoàn thành trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, đằng sau cuộc tranh cãi về một tấm ảnh là câu chuyện về quyền lực truyền thông của “ông vua” mạng xã hội. Không ai có thể phủ nhận Facebook giờ đây gần như là nguồn sống của báo chí. Theo nhật báo Anh The Guardian, đến 50% người đọc báo tại Mỹ tiếp cận các bài báo qua Facebook. Trang mạng xã hội này đã trở thành cầu nối cho mọi hoạt động phát hành tin tức và thông tin trên toàn cầu. Không chỉ có vậy quyết định gỡ bỏ bức ảnh “Em bé napalm” cho thấy Facebook không chỉ muốn là “nguồn sống” mà còn muốn trở thành “ông chủ” quản lý và kiểm duyệt báo chí. Viết trong một bài xã luận đăng trên The Guardian, nữ thủ tướng Na Uy cho rằng bằng cách lấn sân vào quyền biên tập của các tờ báo, những tập đoàn truyền thông và công nghệ khổng lồ đang thay đổi lịch sử và thay đổi sự thật. Facebook và nhiều tập đoàn truyền thông đang áp dụng thuật toán giới hạn các nội dung mà một người có thể đọc dựa trên số lần tương tác và sở thích. Điều này làm hạn chế phạm vi đọc và hạn chế khả năng lan tỏa những sự thật đến toàn xã hội.

Nguồn: Hà Trang/congluan.vn

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/thoi-su-ict/em-be-napalm-va-cau-chuyen-quyen-luc-truyen-thong-cua-facebook