Em trai 'nhà người ta': Xưng mày tao dù cách 8 tuổi nhưng luôn nhường đồ ăn, ti vi, khóc vì nhớ chị

Những cậu em trai trong gia đình thường bị đóng đinh với hình ảnh nghịch ngợm, được nuông chiều, tranh giành với chị gái. Nhưng sau khi đọc những dòng chia sẻ này, bạn sẽ phải 'gato' với em trai 'nhà người ta' đấy.

Những cậu em trai trong gia đình thường bị đóng đinh với hình ảnh nghịch ngợm, được nuông chiều, tranh giành với chị gái. Chính bởi vậy, những chia sẻ khá 'ngược đời' đến khó tin của bạn Trần Thu Thủy (hiện đang học ĐH Hà Nội, Hà Nam) về cậu em trai tên Sơn (lớp 6) đã nhanh chóng thu hút hơn 40.000 lượt thích và gần 5.000 lượt chia sẻ, 5.500 lượt bình luận.

Độ tương tác 'khủng' này đã đủ cho thấy sức hút của mối quan hệ chị gái - em trai trong mỗi gia đình. Dưới đây là câu chuyện hút nghìn like của cô bạn Thu Thủy:

Chia sẻ của Thủy nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng

Nội dung bài chia sẻ về 'cậu em trai nhà người ta'

Sau khi chia sẻ câu chuyện về Sơn trên một group, Thủy đã nhận được rất nhiều tin nhắn và lời bình luận khen ngợi, thể hiện sự ngưỡng mộ.

Cô bạn cho biết: 'Mình rất vui vì mọi người đều yêu quý, ghen tị với chị em mình (cười). Hiện tại bố mẹ với em mình đều không biết, vì cả nhà không dùng mạng xã hội.

Rất nhiều người đã không ngần ngại chia sẻ chuyện về anh chị em của họ, mình hiểu thêm nhiều điều về tình cảm gia đình khác. Qua đó mình chia sẻ một số lời khuyên với những người chị có em nghịch ngợm, không vâng lời'.

Thủy còn chia sẻ, tính cách của một đứa trẻ phụ thuộc khá nhiều vào người ở bên cạnh. Thứ hai là phải dạy em từ những cái nhỏ nhất, lúc nào cũng phải nhớ đến bố mẹ đầu tiên.

Hồi mẹ Thủy sinh Sơn, bố của hai chị em đi công tác xa nhà, một năm về có 2 lần là hè với tết. Vì mẹ bận, bà nội ốm, nên hầu hết việc nuôi dạy em hầu như cô bạn này đều làm hết.

Thay vì nghĩ còn nhỏ thì cứ để thoải mái, trẻ con không biết gì, Thủy luôn suy nghĩ 'bé không dạy lớn không dạy nổi vì nó đã thành tính, đấy là lí do nhiều người bảo' em tao lớn nhưng chẳng biết gì'.

Hai chị em vẫn thường nhắn cho nhau cộc lốc thế này

Từ bé, Thu Thủy đã dạy em đưa nước hay đưa cơm cho bà, dặn Sơn lúc nào cũng phải thương bà, bố mẹ, anh chị. Thế nên lúc bố của hai chị em bị sỏi thận, nằm liệt giường, lúc nào cậu em trai 'nhà người ta' này cũng ngồi trông bố, mẹ bảo đừng đi lại nhiều trên giường, giường rung bố sẽ đau, Sơn sẽ ngồi im thin thít, thỉnh thoảng hỏi bố còn đau không dù mới chỉ học mẫu giáo .

Cậu em trai 'nhà người ta' này đích thực là đã được cả gia đình rèn luyện từ nhỏ. Thủy kể: 'Em mình có gì ăn cũng mang lên cho mẹ trước. Hè về mình hay làm caramel hay hoa quả dầm, làm xong nó vẫn tự động mang lên cho mẹ, không cần nhắc. Mẹ ăn xong thì nó ăn, và lúc nào trước khi hết nó cũng hỏi 'Em ăn hết nhá', mình bảo 'ừ' thì nó sẽ ăn hết, 'không' thì nó sẽ đưa mình rất vui vẻ...

Về lễ phép, khi bố mẹ hỏi: 'Con học bài xong chưa?', thay vì trả lời 'Rồi ạ' hay 'Rồi', hãy bắt nó trả lời: ' Con học xong rồi ạ', về sau tất cả những câu hỏi tương tự nó sẽ trả lời như thế'.

Được dạy dỗ ngay từ nhỏ, đó chính là bí quyết khiến Sơn ngoan ngoãn và chăm chỉ, tự ý thức được từ việc nhỏ nhất. Cô chị còn chia sẻ, Sơn chưa năm nào để tuột mất giấy khen Học sinh giỏi.

Thủy và em trai ngày còn bé

Cách nhau 8 tuổi có lẽ là khoảng cách khá lớn giữa 2 thế hệ, hai chị em, lại khác giới. Tuy nhiên, câu chuyện của Thủy đã chứng minh sự dạy dỗ, sống tình cảm từ nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về nhân cách và suy nghĩ.

Có được người em trai như Thủy có lẽ là mong ước của bất cứ người làm anh, chị nào trong các gia đình. Câu chuyện của cô bạn cũng là động lực để mỗi bà mẹ 'bỉm sữa' nuôi dạy con ngay từ nhỏ, để tình cảm gia đình luôn khăng khít, hòa thuận như vậy.

Ảnh: NVCC

Theo Thùy Trang/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/em-trai-nha-nguoi-ta-xung-may-tao-du-cach-8-tuoi-nhung-luon-nhuong-do-an-ti-vi-khoc-vi-nho-chi.html