EU buộc phải nhờ cậy Moscow để tránh tan rã

Brussels buộc phải nhờ cậy Moscow giúp giải quyết gốc rễ vấn đề, bởi với vị thế của Nga khiến Moscow có uy lực rất lớn trong cuộc khủng hoảng di cư...

Moscow đang là nhà môi giới quyền lực uy tín

CNN ngày 10/2/2017 cho hay, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang chuyển sang cầu viện Nga giúp họ tìm cách ổn định Libya, qua đó ngăn chặn dòng người di cư xuất phát từ đất nước Bắc Phi này vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.

Hãng tin Mỹ cho rằng giới lãnh đạo EU hướng về Nga vì Moscow đang có một vị thế rất tốt trên bàn cờ chính trị tại khu vực Bắc Phi.

“Trong sáu đến chín tháng qua, Nga đã cố gắng tận dụng lợi thế để nâng cao vị thế của mình trong việc tìm giải phấp nhằm chấm dứt sự hỗn loạn và bất ổn tại Libya.

Sau khi có được vai trò đạo diễn tại Syria, việc tạo ảnh hưởng tại Libya cho phép Moscow mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn khu vực Bắc Phi”, ông Ronald Bruce, người Mỹ, chuyên gia về Libya phân tích.

Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya – được xem là quân cờ quan trọng của Kremlin trong ván cờ Libya.

Còn bà Anna Walker, Phó giám đốc trung tâm tư vấn kiểm soát rủi ro tại Châu Âu thì nhận định, trong ván cờ Syria, Nga đã hoạt động như một nhà môi giới quyền lực uy tín, Moscow có thể đưa các phe phái tham chiến ngồi lại với nhau trong các cuộc đàm phán, điều mà những đồng nghiệp phương Tây đã thất bại. Vì vậy Nga dễ dàng tìm kiếm vai trò tương tự ở Libya.

"Chắc chắn bằng cách tham gia vào việc định hình cho bàn cờ chính trị tại Libya, Moscow đang tìm cách để tái khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở đó, không nhất thiết cần đến sức mạnh quân sự mà là một người chơi quyền lực trong khu vực, qua đó củng cố vị thế ngày càng lớn mạnh của Nga trên sân khấu chính trị thế giới", bà Anna Walker phân tích.

Theo CNNN, trong một Libya hỗn độn, sau khi phương Tây hỗ trợ quân nổi dậy lật đổ chế độ của Moammar Gadhafi, với ba chính phủ tranh giành quyền lực, nhiều bộ lạc cạnh tranh giành ảnh hưởng, từ đó đã giúp cho lực lượng khủng bố IS có thể đứng vững tại Libya, Moscow đã xuất hiện, rồi dần nắm được những quân cờ quan trọng để định hình cho ván cờ Libya.

Việc Moscow kết nối và có ảnh hưởng với tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya – được xem là nước đi quan trọng của Kremlin.

Bởi lực lượng trung thành với tướng Haftar đang kiểm soát phần lớn phía đông Libya, bao gồm Benghazi và hầu hết các khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu thô – xương sống của nền kinh tế Libya hiện nay.

Vì vậy, tướng Haftar đang được chứng minh là trọng tâm cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về một giải pháp chính trị cho Libya. Khi nắm được Haftar, Moscow có thể đảm bảo được sự ổn định cho Libya, điều mà Liên Hợp Quốc đã thất bại khi bị cho là vội vàng khai thác vị thế của một chính phủ yếu kém tại Tripoli.

Đây là cơ hội cho Moscow có thể đóng vai trò đạo diễn ván cờ Libya.

Ông Nikolay Kozhanov, một giáo sư tại Viện Chatham House của Anh cho biết, Nga rất thất vọng về hậu quả mà phương Tây gây ra cho bàn cờ chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi.

Đó là việc lật đổ các chế độ tại Iraq và Libya, tạo ra khủng hoảng toàn diện tại các quốc gia này, từ đó gây bất ổn cho toàn khu vực và cuộc khủng hoảng di cư mà EU đang đối mặt cũng từ đó mà ra.

Chính vì vậy, Moscow được cho là đang cố gắng định hướng chính sách đối ngoại của mình để tránh lặp lại vết xe đổ của phương Tây, thậm chí là giải quyết hậu quả do những nước cờ sai lầm của phương Tây để lại. Theo ông Kozhanov thì không nghi ngờ gì nữa, Nga đang có một kế hoạch tổng thể cho Libya, trong đó tạo vị thế trọng yếu cho Haftar trong một chính phủ tương lai tại Libya.

Đã đến lúc EU buộc phải bắt tay với Moscow

EU đang phải vật lộn để ngăn chặn dòng người di cư từ bờ biển Libya và việc hình thành một chính phủ có thể đảm bảo ổn định cho Libya là ưu tiên hàng đầu của Brussels. Ngoài ra EU còn phải tìm cách ngăn chặn những chiến binh IS đang cố gắng thâm nhập vào châu Âu qua các tuyến đường buôn lậu người từ Libya.

Theo ông Kozhanov thì việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân di cư của châu Âu không nằm trong kế hoạch của Nga đang thực hiện tại Libya, bởi đây là hậu quả của việc “quýt NATO” làm và “cam EU” phải chịu. Moscow chỉ muốn hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi trong lĩnh vực này Nga ít có đối đầu với phương Tây.

Điều đó cũng đã được thể hiện rõ trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Putin. Thậm chí Washington đã có động thái thể hiện sự hợp tác với Moscow bằng việc bắt đầu sự hợp tác từ cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Tuy nhiên, lực lượng khủng bố không phải là đối thủ của NATO mà lại là Nga, vì vậy EU chưa thể bắt tay với Nga trong lĩnh vực này, song nguy cơ khủng bố xuất phát từ khủng hoảng dân di cư thì lại đang đe dọa EU.

Vì vậy, Brussels buộc phải nhờ cậy Moscow giúp giải quyết tận gốc rễ vấn đề, bởi với vị thế của Nga khiến Moscow có uy lực rất lớn trong cuộc khủng hoảng di cư.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-buoc-phai-nho-cay-moscow-de-tranh-tan-ra-3328935/